Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đà Nẵng: Thợ nề, người đánh giày, bán hàng rong được nhận tiền hỗ trợ

(VTC News) -

Đà Nẵng thống kê số lượng người bán hàng rong, đánh giày, buôn bán nhỏ không đăng ký thuế, thợ nề, thợ điện, ngư dân… để có chính sách hỗ trợ.

Tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” do HĐND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 13/10, nhiều cử tri thắc mắc về các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố thời gian qua và cho rằng một số nơi còn bất cập, thiếu sót, chưa công bằng.

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB & XH Đà Nẵng cho biết, có thể chia các chính sách hỗ trợ do COVID-19 thành 3 nhóm chính. Nhóm một thực hiện theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng, Kế hoạch 135 của thành phố. Nhóm hai thực hiện trong đợt thành phố áp dụng “ai ở đâu thì ở đó” và nhóm ba theo quyết định cách ly y tế từng khu vực.

Cụ thể, ở nhóm một, Kế hoạch 135 của Đà Nẵng có đặc thù thêm cho người không có giao kết hợp đồng lao động, người có công đau ốm thường xuyên, người già neo đơn. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, thành phố đã kéo dài thời gian nhận hồ sơ cho người không có giao kết hợp đồng lao động đến 31/10. Gói này dự kiến 90 tỷ đồng nhưng thực tế đã chi hơn 101 tỷ đồng.

Đà Nẵng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhóm hai có nhiều gói hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ cho hơn 225.000 hộ với hơn 113 tỷ đồng, mỗi hộ 500.000 đồng. Do thời gian lập danh sách chỉ trong 1,5 ngày nên các địa phương chưa khảo sát hết, dẫn đến thiếu sót. Hiện sở tiếp tục đề xuất hỗ trợ cho hơn 37.000 hộ chưa nhận được 500.000 đồng với tổng số tiền hơn 18,9 tỷ đồng.

Cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng đang làm tờ trình hỗ trợ cho hơn 69.000 đối tượng gồm thợ hồ, sửa xe, đan lưới, người đánh giày… dự kiến khoảng 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, tùy vào nguồn lực của thành phố, nếu được thống nhất, Sở sẽ tiến hành khảo sát.

Ông Hoàng cũng thông tin thêm, trong năm 2020, Đà Nẵng chi cho các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 là 305 tỷ đồng, đến năm 2021 đã chi gần 500 tỷ.

Liên quan các gói hỗ trợ này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố rất chủ động triển khai, kịp thời hỗ trợ người dân. Có thể nói Đà Nẵng là địa phương có chế độ hỗ trợ kinh phí nhiều nhất, kịp thời đảm bảo đời sống người dân.

Tuy nhiên, khi triển khai dựa hoàn toàn vào tổ dân phố bằng hình thức giải thích gián tiếp, không thể tổ chức họp dân do giãn cách xã hội nên người dân còn chưa hiểu. Có những khó khăn, bất cập, thiếu hụt sự công bằng nhưng nhìn chung thành phố đã đảm bảo đời sống nhân dân”, ông Chinh nói và cho biết thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những người còn lại, rất mong nhân dân tiếp tục giám sát, kiểm tra, phản hồi.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị các địa phương tiếp tục thống kê, rà soát để không bỏ sót hộ dân nào.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định: “Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ mới và đang chỉ đạo thống kê số lượng người bán hàng rong, đánh giày, buôn bán nhỏ không đăng ký thuế, thợ nề, thợ điện, ngư dân, lái xe máy công nghệ. Cơ bản là thành phố phủ khắp những đối tượng dễ bị tổn thương”.

XUÂN TIẾN

Tin mới