Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đá hỏng phạt đền, Messi có phải 'tội đồ' trong thất bại của Barca?

(VTC News) -

Messi ghi một siêu phẩm, nhưng cũng bỏ lỡ một quả phạt đền trong trận gặp PSG rạng sáng nay 11/3.

Cuộc lội ngược dòng huyền thoại 4 năm trước đã không được Barcelona tái hiện trên sân Parc des Princes rạng sáng nay, khi Lionel Messi cùng đồng đội chỉ có kết quả hòa 1-1 trước Paris Saint-Germain. Thua chung cuộc 2-5, Barca chia tay Champions League từ vòng 1/8 lần đầu tiên sau 14 năm. 

90 phút trên đất Pháp chứng kiến cảm xúc trái ngược của Messi. Phút 37, anh ghi bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới thủ môn Keylor Navas, nhưng lại đá hỏng quả phạt đền ở thời gian bù giờ hiệp 1. Messi có lỗi trong thất bại của đội nhà?

Messi chia tay Champions League. 

Messi đá trận để đời 

Quả phạt đền hỏng ăn của Messi có tác động tới trận đấu không? Câu trả lời là có.

Trận đấu đang trôi về cuối hiệp 1. Nếu Messi thực hiện thành công, Barca sẽ dẫn 2-1 trước giờ nghỉ và tạo áp lực khủng khiếp lên PSG. Đội khách đã chơi cực hay, dồn ép PSG nghẹt thở và có hàng tá cơ hội ăn bàn. Việc có lợi thế dẫn trước là nguồn động viên tinh thần lớn cho thầy trò Ronald Koeman.

Nhưng Messi có lỗi khi đá hỏng phạt đền không? Chắc chắn là không. Nếu Messi có trận đấu tồi tệ, quả phạt đền sẽ là cơn sóng nhấn chìm siêu sao người Argentina xuống lòng biển chỉ trích. Tuy nhiên, Messi đã chơi cực hay. Không có anh, Barca còn không có gì để hy vọng.

Messi đột phá giữa vòng vây hậu vệ PSG.

Suốt 90 phút, Messi tung ra 7 pha dứt điểm (3 trúng đích), nhiều hơn Antoine Griezmann và Ousmane Dembele cộng lại. Anh tạo ra 4 cơ hội cho đồng đội, tất cả đều bị phung phí khó hiểu. Barca sút 21 lần về phía cầu môn PSG ở trận này, tức là cứ 2 cơ hội, lại có 1 tình huống do Messi châm ngòi hoặc kết thúc.

Biểu đồ nhiệt cho thấy cầu thủ 33 tuổi hoạt động không biết mệt mỏi. Nếu Kylian Mbappe bên phía PSG được tạo điều kiện hoạt động trong vòng cấm, Messi phải chạy khắp mặt sân. Anh lùi về giữa lấy bóng, sang cánh trái hỗ trợ Dembele, sang cánh phải phối hợp với Griezmann, bó vào giữa điều tiết rồi thực hiện luôn khâu dứt điểm.

Cầu thủ 33 tuổi phải cáng đáng khối công việc khổng lồ. Bàn thắng duy nhất của Barca đến từ cú sút xa xuất thần của siêu sao người Argentina. Anh di chuyển vào trung lộ, vung chân sút đưa bóng bay với quỹ đạo cực khó. Đó là pha dứt điểm bản năng.

Khi đồng đội liên tục bỏ lỡ cơ hội, Messi hiểu rằng anh phải tự làm tất cả, từ kéo bóng, kiến tạo tới ghi bàn. Tình cảnh đó đã lặp đi lặp lại suốt 5 năm. 

Biểu đồ nhiệt của Messi (phải) so với Mbappe (trái). Vùng màu đỏ là vùng cầu thủ hoạt động nhiều nhất. 

Tất nhiên, bóng đá không có quy luật bù trừ. Lập siêu phẩm, nhưng Messi vẫn sẽ ân hận vì không thắng được Navas trên chấm 11m. Song, Messi có trận đấu quá tốt, để bất cứ ai có thể trách móc anh vì pha bỏ lỡ này. 

Barca bị loại không phải vì Messi đá hỏng phạt đền, mà bởi đồng đội của anh quá kém.

Nửa đầu hiệp 1, Dembele có 3 tình huống đối mặt Navas. Anh nhận bóng ở vị trí sở trường bên cánh trái, có tư thế thuận lợi để dứt điểm, nhưng bỏ lỡ tất cả. Tiền đạo người Pháp có tốc độ, kỹ thuật, nhưng thiếu lạnh lùng và nhạy bén ở trận cầu lớn.

Ở trận bán kết lượt đi Champions League 2018/2019, Dembele cũng bỏ lỡ 2 quả đối mặt ở thời gian bù giờ. Nếu Barca thắng 4-0 (thay vì 3-0), Liverpool khó ngược dòng. 

Nhìn lại trận thắng kinh điển 6-1 trước PSG năm 2017, Barca cũng không tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn và tấn công dồn dập như trận này. Khác biệt là với số cơ hội ấy, Neymar và Luis Suarez cùng nhau ghi 3 bàn, còn Dembele và Griezmann đêm qua không lần nào làm rung mành lưới Navas.

De Jong (phải) hay Dembele, Griezmann chưa đủ tầm gánh vác Barca. 

Khác biệt còn nằm ở hàng phòng ngự, khi không hậu vệ Barca nào của 4 năm trước mắc sai lầm ấu trĩ như Clement Lenglet đêm qua.

Ở pha bóng không nguy hiểm, Lenglet đá vào gót chân Mauro Icardi, "biếu" cho PSG quả phạt đền khi Barca đang thăng hoa nhất.

Sự kém cỏi của trung vệ người Pháp là hậu quả của chính sách chuyển nhượng lầm lạc dưới thời cựu Chủ tịch Josep Bartomeu, nhưng cũng tố cáo vấn đề của Barca. Đội bóng này có quá nhiều cầu thủ tầm thường, che mờ đi sự phi thường của Messi.

Barca "sống thực vật" đến bao giờ?

Cả Barca từng rung chuyển trước ý định ra đi của Messi, là minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của cầu thủ mang áo số 10. Nhưng phụ thuộc tới mức "ăn bám" như hiện tại là vấn đề lớn của đội chủ sân Camp Nou.

Trong ngày thắng cử ghế chủ tịch Barca, Joan Laporta tuyên bố giữ Messi ở lại để phục dựng Barca. Dù vậy, đó chỉ là phát biểu theo hướng "dân túy" hơn chuyên môn. Messi sẽ bước sang tuổi 34 vào mùa hè này. Anh không còn phù hợp với bất cứ kế hoạch dài hạn nào.

Messi cần có đồng đội tài năng. 

Chính Messi cũng nhận ra hồi kết trong sự nghiệp khi nói rằng cả anh và Barca cần thay đổi, nhưng CLB xứ Catalunya chưa sẵn sàng cho sự thay đổi ấy.

Chủ tịch Laporta vẫn muốn anh ở lại. Khi Messi phải gánh thái sơn trên vai, Barca nhiều khả năng còn phải "sống thực vật". Đội bóng này cần dứt khoát để xây dựng một triều đại mới. Messi là huyền thoại, nhưng anh không thể cứ đơn độc chiến đấu, sửa chữa sai lầm của đồng đội, HLV và ban lãnh đạo.

Messi cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi với tình cảnh của Barca trong 5 năm qua. Quãng thời gian đẹp nhất sự nghiệp Messi đã bị chôn vùi bởi bê bối hậu trường và những lần cúi gằm mặt sau thất bại.

Barca và Messi cần thay đổi, bắt đầu từ mùa hè tới. Nếu muốn giữ Messi ở lại, đội bóng của Laporta cần mang về những cầu thủ xứng tầm. Đó chắc chắn không phải Dembele và Lenglet.

Hồng Nam

Tin mới