Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đã đến lúc giảm mức phạt với tài xế có nồng độ cồn rất thấp

(VTC News) -

Ý thức người dân tăng sau thời gian xử lý ngặt nghèo, đã đến lúc giảm mức phạt với tài xế có nồng độ cồn chưa vượt 0,25 mg/lít khí thở, mức mà nhiều nước không phạt.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trong đó đề xuất hạ mức phạt tiền đối với những tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở.

Cụ thể, với mức vi phạm này, dự thảo đề xuất phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái ô tô (mức hiện hành là 6 - 8 triệu đồng) và 400 - 600 nghìn đồng với người đi xe máy (mức hiện hành là 2-3 triệu đồng). Với người đi xe máy chuyên dụng, mức phạt cũng được đề xuất giảm từ 3-5 triệu đồng xuống 800 nghìn - 1 triệu đồng.

Chắc rằng rất nhiều người dân cũng như tôi, rất mừng khi biết tin này và mong đề xuất trên được chấp nhận.

Về việc xử lý tài xế uống rượu bia trước khi lái xe, thế giới có hai “trường phái”: Cấm tuyệt đối – hễ có cồn là phạt; hoặc áp dụng “vùng xanh”, chỉ phạt khi nồng độ cồn vượt quá con số quy định. Với đặc thù của mình, Việt Nam chọn “nồng độ cồn bằng 0” và thực tế chứng minh quy định này cực kỳ hiệu quả khi được thực hiện nghiêm ngặt.

Sau gần 2 năm xử lý cực kỳ gắt gao vi phạm về nồng độ cồn, ý thức của người dân về điều này đã được nâng cao vượt bậc. Văn hóa ép uống rượu gần như bị xóa bỏ, hầu như tài xế nào cũng nghĩ đến phương án di chuyển trước khi quyết định uống một vài ly với bạn bè.

Có lẽ các cơ quan soạn thảo nghị định mới cũng nhận thấy, đã đến lúc nên giảm mức phạt với những tài xế có chỉ số cồn thấp – mức mà nhiều quốc gia không phạt. Như vậy, mức phạt sẽ phù hợp hơn với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

(Ảnh: Khổng Chí)

Để hiểu rõ hơn vì sao không nên phạt nặng trong trường hợp này, bạn hãy hình dung: Một người đàn ông nặng 65kg (mức thể trọng trung bình) uống 1 lon bia nồng độ 5% thì nồng độ cồn trong khí thở sẽ đạt 0,144 mg/lít. Uống nửa lon bia cũng đủ để máy “thổi cồn” phát hiện, và phải mất nhiều giờ đồng hồ thì hơi thở mới không còn chất này.

Tác động của rượu bia với từng người là khác nhau, có người chỉ uống một chút cũng say và không kiểm soát được hành vi; vì thế tôi rất ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Tuy nhiên, nếu phạt nặng khi tài xế có nồng độ cồn không vượt quá 0,25mg/lít khí thở, nhiều người sẽ cảm thấy hơi oan vì rất lâu trước khi máy đo phát hiện còn cồn, họ đã không còn chịu ảnh hưởng của rượu bia.

Bạn có đồng tình với đề xuất giảm mức phạt khi nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở?

Mức phạt 400 - 600 nghìn đồng (xe máy) 800 nghìn - 1 triệu đồng đủ để răn đe, nhắc nhở mọi người kiểm soát hành vi, chấp hành các quy định của pháp luật, cũng đủ để không gây khó khăn quá mức cho người vi phạm, phù hợp với mức sống của người dân.

Theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người trong một tháng ở khu vực thành thị là 6,26 triệu đồng, ở khu vực nông thôn là 4,17 triệu đồng. Đa số người dân đều dùng xe máy làm phương tiện di chuyển chính. Với mức phạt nồng độ cồn nhẹ nhất hiện nay (2-3 triệu đồng), họ mất gần 50% thu nhập tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, mức trả giá quá cao so với lỗi uống vài ngụm bia. Mức phạt mới tương đương 10% thu nhập trong dự thảo trên hợp lý hơn nhiều.

Hồi đầu tháng 7, một người giao hàng bật khóc khi vi phạm nồng độ cồn 2 lần ở Kim Mã, Hà Nội do có 0,09mg cồn/lít khí thở sau khi uống non nửa lon bia. Có lẽ chính cảnh sát giao thông nhiều khi cũng ái ngại, khó xử khi gặp tình huống tương tự.

Một số người lo rằng mức phạt tiền thấp hơn sẽ khiến tài xế coi thường pháp luật, nhưng xin lưu ý rằng việc giảm mức phạt chỉ áp dụng cho nồng độ cồn thấp nhất, chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở - mức mà nhiều nước không coi là vi phạm – và giữ nguyên ở các mức vi phạm cao hơn.

Ngoài ra, để tăng tính răn đe với những người uống nhiều rượu bia hoặc say xỉn vẫn cầm lái, dự thảo nghị định mà Bộ Công an đang lấy ý kiến còn đưa ra các quy định nghiêm ngặt về việc thu giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe… Như vậy, mức phạt giảm chỉ có lợi cho những người chỉ nhấp vài ngụm rượu bia, ăn trái cây hay thực phẩm lên men, hoặc uống rượu bia từ rất lâu trước đó, những người mà nguy cơ gây tai nạn không cao.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Đặng Hào

Tin mới