Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phép màu thay đổi 'văn hoá' ép uống rượu bia tận gốc rễ

(VTC News) -

Nhờ các chốt kiểm tra nồng độ cồn hoạt động xuyên Tết khắp nơi mà ở các bữa tiệc xuân, mọi người chẳng những không ép rượu mà còn nhắc nhau: “Lái xe thì đừng uống”.

Nếu như tinh thần kiểm soát triệt để việc lái xe sau khi uống rượu bia như Tết Nguyên đán Giáp Thìn vẫn tiếp tục được duy trì thì tin rằng chỉ sau một vài năm, cái gọi là “văn hóa ép rượu” sẽ bị xóa bỏ ở Việt Nam. Còn khái niệm “văn hóa uống rượu” sẽ trở về đúng với ý nghĩa của nó - uống một cách có văn hóa, vừa đủ để hưng phấn, vui vẻ trong các cuộc gặp gỡ chứ không say sưa, và đặc biệt đã uống thì không lái xe.

Từ Tết năm ngoái, việc kiểm tra và xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được thực hiện nghiêm và gần như tạo thành nếp trong cả năm. Tuy nhiên ai cũng nhận thấy rằng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, sự khắt khe của lực lượng chức năng đối với vấn đề này lại được nâng lên một tầm cao mới, đến mức triệt để. Điều đó hoàn toàn dập tắt suy nghĩ mang tính duy tình còn sót lại ở một số người rằng “Tết nhất thì các chú công an chắc sẽ thả lỏng đôi chút cho bà con uống với nhau chén rượu mừng xuân”.

Thực hiện nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn - phép màu thay đổi 'văn hoá' ép uống rượu bia tận gốc rễ.

Những chốt kiểm tra nồng độ cồn, mà người dân hay gọi là thổi cồn, vốn nhiều thêm từ tháng Chạp và “làm gắt” đến nỗi chỉ uống một lon bia cũng “bay’’ tiền thưởng Tết, hóa ra vẫn không hề giảm hay lơi lỏng chút nào trong suốt kỳ nghỉ lễ. Dân nhậu ý thức được rằng, nếu vẫn liều lĩnh cầm tay lái khi đã có hơi cồn, cơ hội “lọt” qua chốt là rất nhỏ, và khi đã bị kiểm tra thì cơ hội ‘’xin thông cảm’’ hoàn toàn không có.

Điều này tạo nên một nề nếp mới trong các buổi tiệc, những cuộc gặp gỡ đầu năm. Rượu bia vẫn có trên mâm, nhưng không dành cho tài xế. Chẳng những không ép nhau uống như thói quen xấu tồn tại bao nhiêu năm trước, khi nâng chén, người cùng mâm thậm chí còn nhắc nhở nhau: “Chú lái xe thì chỉ cụng ly cho vui thôi, đừng uống”.

Khác hẳn những năm trước, mọi người cứ thế kéo lên xe đi chúc Tết rồi mọi thứ tính tiếp, năm nay, các gia đình đều lên kế hoạch cho những cuộc vui: Ai được phân công cầm lái thì chấp nhận khỏi uống. Nhiều tình huống vui vui về sự tuân thủ của người dân cũng được kể lại.

Anh A được bạn gọi sang nhà tiếp khách quý ở xa về lúc khá khuya. Cả hai vợ chồng lẫn con trai lớn đều đã làm vài chén, taxi “cháy hàng’’ không gọi nổi, anh đành chạy bộ gần 2km đến điểm hẹn.

Trong bữa tiệc tối mùng 2 Tết, một ông chú 63 tuổi bảo ban đám thanh niên đang nhậu hăng rằng lát nữa phải bắt taxi về, đồng thời tự nào khoe: “Như chú đây này, biết hôm nay uống rượu nên đi xe đạp”. Thế là mấy đứa cháu ồ lên: “Chú uống nhiều thế thì xe đạp cũng không an toàn, lát nữa chú ngủ lại đây hoặc bọn cháu gọi xe cho chú về’’.

Người viết bài này cũng ngồi nhâm nhi chút trái cây và thịt bò khô với một người bạn là quan chức địa phương vào tối đầu xuân, mỗi người chỉ uống vài chén nhỏ. Thế nhưng vài chén rượu đó đã làm thay đổi kế hoạch của chủ nhà. Thay vì lái xe chở vợ con về quê đêm đó, ông đợi đến sáng hôm sau khi có người sang chở giúp. Còn mấy vị khách thì ông nhờ em gái và con gái lớn đưa về nhà bằng xe máy.

Ngay cả với đồng bào một số dân tộc thiểu số mà trong văn hóa giao tiếp của họ những ngày lễ Tết, việc uống rượu bia gần như là điều bắt buộc thì giờ cũng đã thay đổi hoàn toàn. Đã không còn những gương mặt phừng phừng men rượu phóng xe máy bạt mạng ngoài đường.

Hành động tuân thủ hay vi phạm pháp luật bắt nguồn từ ý thức, và thực tế Tết này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong ý thức của phần lớn công dân trong vấn đề nồng độ cồn khi lái xe. Điều này vô cùng đáng mừng.

Sự hiện diện của những chốt ‘’thổi cồn’’ trong năm qua và đặc biệt suốt cái Tết Giáp Thìn chính là một thông điệp: Lực lượng chức năng đã không coi việc kiểm soát nồng độ cồn là chiến dịch trong từng thời điểm mà thực hiện thường quy, thậm chí làm chặt hơn vào những lúc một số người dân hy vọng có sự buông lỏng.

Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu cảnh sát giao thông cũng quyết liệt như vậy đối với các vi phạm khác, như nạn lấn làn, cướp làn đường của xe ưu tiên, chở những thanh sắt, tấm tôn sắc nhọn bằng xe tự chế, chẳng khác nào chở theo những cỗ máy chém trên đường…

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Tuấn Kiệt

Tin mới