Chiều 29/5, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Chu Tiến Dũng (61 tuổi, cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS) và 9 đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo buộc với vai trò chủ mưu, khai tại toà, bị cáo Chu Tiến Dũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình giống như trong cáo trạng đã truy tố. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi đến tất cả các bị cáo khác là cán bộ, công nhân viên của CNS về những sai phạm liên quan đến vụ án.
Bị cáo Chu Tiến Dũng. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Theo bị cáo Dũng, quỹ khen thưởng không chi trực tiếp cho người được khen thưởng, bởi đây là cách làm từ thế hệ trước, bị cáo chỉ làm theo, sau khi bị thanh tra mới biết là sai phạm.
“Đến hôm nay, bị cáo nhận thức được trách nhiệm của mình. Với vai trò tổng giám đốc nhưng bị cáo chưa sâu sát, hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật để xảy ra 'tai nạn' như ngày hôm nay. Bị cáo rất đau lòng, thấy có lỗi tập thể, với tổng công ty, đồng nghiệp”, bị cáo Chu Tiến Dũng trình bày.
Bị cáo Dũng nói bản thân phải có trách nhiệm với số tiền thất thoát nên gia đình đã tự nguyện khắc phục 200 triệu đồng.
Còn bị cáo Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng CNS) khai việc chi khen thưởng được thực hiện theo "lệ" mà các lãnh đạo tiền nhiệm của CNS đã thực hiện.
Theo đó, CNS đã chi khen thưởng theo danh sách mà các phòng/ban thuộc CNS đề xuất. Lý do, những đơn vị đề xuất danh sách khen thưởng (những cá nhân này không thuộc CNS) là những người làm việc trực tiếp với những cá nhân có thành tích, đóng góp cho CNS.
Do đó, những đơn vị này sẽ đánh giá chính xác thành tích, đóng góp của các cá nhân được đề xuất.
Bị cáo Ngà còn thừa nhận theo quy định, tất cả nguồn tiền thu vào, chi ra đều phải có tài liệu giấy tờ thu chi theo quy định pháp luật về kế toán, và thừa nhận đến hôm nay mới nhận thức được việc chi tiền khen thưởng như vậy là không được chặt chẽ.
Ngoài ra, bị cáo Ngà còn cho biết phiếu chi của CNS phải có chữ ký của 4 người (người nhận, kế toán kiểm toán, kế toán trưởng và tổng giám đốc).
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, 10 bị cáo trong vụ án này bị cáo buộc gây thất thoát gần 22 tỷ đồng tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS). Trong đó, 17,3 tỷ đồng của quỹ khen thưởng CNS và 4,689 tỷ đồng trong việc thoái vốn đầu tư của CNS tại Công ty Cổ phần TIE.
CNS là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM.
Thời điểm ngày 1/12/2015, Nghị định số 91/2015 quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.
Các cá nhân là ban Tổng giám đốc CNS, lãnh đạo Phòng tài chính - Kế toán CNS và Văn phòng CNS biết rõ CNS phải ban hành quy chế quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng mới theo quy định tại Nghị định 91 thay thế quy chế cũ để quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng.
Ngoài ra, do có sự thống nhất trong ban lãnh đạo CNS về việc sử dụng nguồn tiền từ quỹ khen thưởng CNS phục vụ công tác đối ngoại, ngoại giao… nên khi có sự đề xuất chi tiền ban Giám đốc CNS, phòng kế toán - tài chính đã không kiểm tra về thông tin đối tượng được khen thưởng, thành tích cụ thể, cơ sở để đưa ra mức khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân mà vẫn ký tờ trình, phiếu chi, không kiểm tra việc sử dụng tiền chi thưởng.
Trong đó, bị cáo Chu Tiến Dũng với tư cách Tổng giám đốc CNS đã trực tiếp duyệt chi tổng số tiền hơn 17,3 tỷ đồng từ quỹ khen thưởng của CNS trên cơ sở 106 tờ trình đề xuất của các phòng/ban thuộc CNS.
Cáo trạng cũng xác định giai đoạn năm 2015 - 2016, khi thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư của CNS tại Công ty Cổ phần TIE, các cá nhân là lãnh đạo CNS đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND TP.HCM liên quan trong việc quản lý vốn đầu tư của CNS tại TIE, gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng.
Đối với Vũ Quốc Vinh (đại diện 61% vốn góp của CNS tại Công ty TIE), do bị can này đang bỏ trốn nên Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra, tách vụ án để xét xử độc lập.