Theo Axios đưa tin hôm 27/1, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo sẽ gia nhập Viện Hudson, động thái được đánh giá là nhằm dọn đường cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024 và đảm bảo mối liên hệ với đảng Cộng hòa.
Việc tham gia vào một viện nghiên cứu tên tuổi như Hudson sẽ cho phép cựu Ngoại trưởng Mỹ có mặt trong các cuộc thảo luận chính sách, thậm chí có thể là chuẩn bị cho việc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, Axios bình luận.
Hudson tự giới thiệu là một diễn đàn nơi các thành viên lưỡng đảng có thể trao đổi quan điểm, dù vậy được cho là gắn kết với đảng Cộng hòa nhiều hơn.
Trước đó, hôm 21/1, một ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống, ông Pompeo đăng Twitter với nội dung đầy ẩn ý: “1.384 ngày”.
Trong một động thái khác, tại cuộc phỏng vấn trên Fox News hôm 26/1, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra nhận định, Trung Quốc đang tìm kiếm sự "mềm mỏng" trong quan điểm của chính quyền Biden, hy vọng lật ngược lại loạt chính sách mà Donald Trump đã đề ra trên cương vị tổng thống.
"Không nghi ngờ gì về tham vọng của Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng, Trung Quốc sẽ thách thức chính quyền Biden để xem liệu họ có tìm ra con đường phía trước, tiếp tục gây áp lực lên người dân Đài Loan hay không. Tôi hy vọng chính quyền Biden sẽ làm được những gì mà một số chính quyền Mỹ trước đây đã làm”, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết.
"Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã làm theo một cách rất độc đáo, thực hiện các cam kết đối với Đài Loan. Chúng tôi cũng đã cam kết làm những điều đúng đắn với người dân Mỹ. Đó là cách bạn đặt nước Mỹ lên trên hết và là điều mà Trung Quốc sẽ hiểu rõ nhất", ông Pompeo nói.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nói thêm, ông hài lòng trước những bình luận từ Antony Blinken - người kế nhiệm ông, chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
“Chúng ta chưa từng thấy điều này kể từ những năm 1930. Không chỉ Mỹ, thế giới cần phản đoàn kết, lên án những hành động tàn bạo ở Tân Cương... của Trung Quốc, ngăn chặn việc tiếp diễn các hành động đó”, ông Pompeo cho hay.
Bên cạnh đó, cựu Ngoại trưởng Pompeo cũng bày tỏ thất vọng khi thấy chính quyền Biden tập trung vào ngữ nghĩa xoa dịu, thay vì sử dụng "virus Trung Quốc" trong các văn bản liên bang.
"Dịch COVID-19 bắt đầu ở Vũ Hán. Trên thực tế, loại virus này khởi phát từ đó. Chúng tôi biết rằng, Trung Quốc đã che đậy điều đó. Họ đã ngăn các bác sĩ và nhà báo muốn nói và viết về nó. Tôi nghĩ, đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa thể biết được những thông tin quan trọng nhất về nơi mà loại virus SARS-CoV-2 khởi phát. Đây là những điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói đến khi tôi còn là Ngoại trưởng...”, ông Pompeo nhấn mạnh.
"Người dân Mỹ cần biết về nơi dịch bệnh bùng phát. Điều đó quan trọng đối với sức khỏe, sự an toàn, thịnh vượng kinh tế và an ninh của chúng ta. Tôi hy vọng và tin tưởng vào chính quyền Biden sẽ làm những gì mà người dân Mỹ yêu cầu và tiếp tục đối đầu với Trung Quốc”, cựu Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Hôm 26/1, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu, chính thức phê chuẩn ông Antony Blinken là Ngoại trưởng dưới thời chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Ông Antony Blinken trở thành ngoại trưởng thứ 71 của nước Mỹ với nỗ lực đưa nước này trở lại sân chơi quốc tế và xây dựng lại các liên minh vốn đã bị tổn thất dưới thời chính quyền Trump.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo là người có quan điểm cứng rắn trong chính sách đối với Trung Quốc. Hôm 20/1, Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 28 quan chức dưới thời chính quyền ông Donald Trump, trong đó có cả ông Pompeo.