Những ngày đầu tháng 3, quán phở mang tên Gạc Ma - Trường Sa nằm ở trung tâm TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nườm nượp thực khách.
Ông chủ kiêm đầu bếp của quán phở đặc biệt này là cựu binh từng tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma. Ông là Lê Minh Thoa (53 tuổi) - một trong số 9 người sống sót sau trận chiến Gạc Ma - Trường Sa (14/3/1988).
Cựu binh Lê Minh Thoa ngày ngày mưu sinh nhờ quán phở mang tên Gạc Ma - Trường Sa.
Mở quán phở Gạc Ma - Trường Sa
"Tên quán Gạc Ma - Trường Sa chất chứa bao kỷ niệm, nhắc nhớ trong tôi về hàng chục đồng đội đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những đồng đội còn sống vẫn hay giữ liên lạc, thỉnh thoảng ghé ăn phở rồi cùng tôi ôn lại một thuở hào hùng”, ông Thoa mở đầu câu chuyện.
Sống sót kỳ diệu trong trận chiến lịch sử Gạc Ma - Trường Sa, trải qua gần 4 năm bị giam cầm tại nhà tù Trung Quốc, cựu binh Lê Minh Thoa trở về với cuộc sống đời thường.
Trong căn nhà rộng chừng 20m2, các bức hình lưu niệm mang bóng dáng những cột mốc chủ quyền, người lính hải quân… được treo dày đặc 4 bức tường. Trong đó, bức ảnh chụp chung cùng 8 đồng đội trở về sau trận chiến Gạc Ma và quà tặng từ Trường Sa là 2 kỷ vật được đặt nơi trang trọng nhất. Với ông, đấy là những thứ vô giá.
Ông Thoa kể, năm 17 tuổi, ông khăn gói ly hương, bắt đầu học sửa chữa máy móc tàu thủy và sau đó được phân công công tác tại quần đảo Trường Sa.
Ngày 11/3/1988, ông nhận lệnh tăng cường cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn – quần đảo Trường Sa).
"Khi được điều sang tàu HQ 604, tôi có linh cảm lành ít dữ nhiều. Tuy nhiên, tuổi trẻ như chúng tôi hồi đó xem nhẹ cái chết lắm, đặc biệt là nếu phải hy sinh thân mình vì Tổ quốc thì càng cao cả. Do vậy, khi lên đường ra Trường Sa để xây dựng đảo Gạc Ma, ai nấy đều quyết tâm", ông Thoa trải lòng.
Hai ngày sau khi rời cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), con tàu HQ 604 vượt trùng khơi, đưa ông cùng đoàn chiến sĩ ra đến đảo Gạc Ma. Ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay giữa vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Thoa nhớ như in tầm 5h chiều 13/3, tàu Trung Quốc lù lù áp sát tàu HQ 604 với thái độ gây chiến. "Bất chấp sự ngang ngược của Trung Quốc, chúng tôi vẫn khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma để đặt mốc chủ quyền. Sau khi đặt mốc và cắm cờ Tổ quốc, một nhóm chiến sĩ được giao nhiệm vụ canh gác trên đảo. Số còn lại tiếp tục vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo trên các xuồng nhỏ", ông Thoa thuật lại.
Rạng sáng 14/3, 3 con tàu chở đội quân Trung Quốc lại hung hăng yêu cầu quân ta phải hạ cờ. Trước sự kiên trung của các chiến sĩ hải quân Việt Nam, tàu Trung Quốc nã đạn tàn khốc và chẳng mấy chốc nhấn chìm tàu HQ 604.
Tấm ảnh chụp cùng 8 đồng đội được ông treo trang trọng trên tường nhà.
Nhắc đến đây, ông Thoa phẫn uất kể: “Màn xả súng của địch khiến tôi bị thương ở chân, bỏng lưng nhưng cũng may vớ được một quả bí xanh, một quả bí đỏ để làm phao. Đến 5h chiều 14/3, tàu Trung Quốc thả xuồng đến chỗ tôi, trên xuồng có 1 tên lái, 2 tên cầm súng và ra dấu yêu cầu tôi giơ tay đầu hàng nhưng tôi quyết không chịu.
Khi thấy tôi ôm khư khư 2 quả bí thì lính Trung Quốc không dám đến gần. Bọn chúng dùng cây sào móc kéo tôi lên xuồng rồi trói chặt tay lại. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy bên cạnh mình còn 8 đồng đội cũng bị trói chặt tay, nằm xếp hàng. Ai nấy bê bết máu bởi những mảnh đạn găm thấu xương”.
Ăn cháo trắng thay cơm
Sau khi bị quân Trung Quốc bắt lên tàu, bịt mắt, trói chân tay và bỏ đói 3 ngày đêm, ông cùng 8 đồng đội được đưa đến đảo Hải Nam. Những người bị thương được đưa lên bàn mổ, lôi từng mảnh đạn ra khỏi người rồi tiếp tục bị áp giải tới đảo Lôi Châu.
Những tháng ngày trong tù, ông Thoa cùng 8 người khác bị nhốt riêng biệt. Mỗi tuần chỉ có 2 bữa cơm đạm bạc, còn lại toàn cháo trắng.
Lính Trung Quốc bắt ông cùng đồng đội lao động rất nặng nhọc như đổ bê tông, chẻ củi…Đến năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây. Tháng 11/1991, ông Thoa cùng đồng đội mới được trao trả về nước.
Ông Lê Minh Thoa (hàng ngồi, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng 8 đồng đội còn sống sau trận chiến Gạc Ma. (Ảnh: NVCC)
“Lúc đó, đoàn Hội Chữ thập đỏ khẳng định chắc nịch rằng anh em tôi sẽ giữ được mạng sống nhưng về nước hay không thì phải tùy thuộc nhiều thứ. Mỗi người chúng tôi được phép viết vài dòng vào tờ giấy (không quá 24 chữ cái) để gửi về Việt Nam cho gia đình. Và trong thư, tôi chỉ thông tin ngắn gọn rằng mình vẫn khỏe để cha mẹ yên tâm”, ông Thoa hồi tưởng.
Ngày được trao trả tự do, ông Thoa đau đớn khi hay tin, trận xả súng tàn ác của Trung Quốc ở Gạc Ma đã khiến 64 đồng đội của mình vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi.
Ông Thoa kể tiếp, khi về nước, ông trở thành quân nhân chuyên nghiệp và tiếp tục phục vụ trong trạm sửa chữa của Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn 125. Cuối năm 1996, ông xin xuất ngũ.
Trong quá trình chiến đấu, công tác, ông vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba.
“Năm 2013, bác sĩ phát hiện thêm hai mảnh đạn còn găm trong người tôi (ở vùng đầu và bả vai). Trước đây, có lẽ do máy móc chưa hiện đại nên không phát hiện được những vết thương này. Do đó, khi làm hồ sơ giám định chỉ cho kết quả thương tật 11%, chế độ chỉ nhận 1 lần. Cuối năm 2017, tôi đi giám định lại thương tật với kết quả 29%, được công nhận thương binh 4/4”, ông Thoa vui mừng nói.
Nhắc đến người con anh dũng của mình, ông Lê Thừa (cha của cựu binh Lê Minh Thoa) xúc động chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in, ngày 14/3/1988, nghe tin tàu của con tôi bị Trung Quốc bắn chìm ở Gạc Ma - Trường Sa, cả gia đình bàng hoàng và đau xót tột cùng. Vợ chồng tôi khi ấy đã lập bàn thờ, nào ngờ gần 4 năm sau, thằng Thoa còn sống và quay về. Đó là điều kỳ diệu lớn nhất của đời tôi”.