Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tri ân những liệt sỹ anh hùng trong trận chiến Gạc Ma 1988

33 năm trôi qua, trong tâm trí mỗi người con đất Việt, hình ảnh những liệt sỹ trong sự kiện bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao ngày 14/3/1988 vẫn mãi được khắc ghi.

Kể từ khi những người con đất Việt nằm lại ở biển khơi trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988, người thân, đồng đội vẫn luôn khắc khoải nhớ các anh, những người lính đã dâng hiến máu xương cho Tổ quốc trong sự kiện bảo vệ chủ quyền biển đảo tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

33 năm trôi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm, không tiếc máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Sự hy sinh của các anh được thế hệ hôm nay luôn nhắc nhớ với lòng thành kính, những người lính tiếp bước cha anh luôn phấn đấu, luyện rèn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc từng “tấc đảo, sải biển” của Tổ quốc.

Quân dân thị trấn Trường Sa tại Lễ tri ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma.

Nhớ ơn những người ngã xuống

Những ngày này, chùa Sinh Tồn –nơi đặt tấm bia phương danh 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 rất đông cán bộ chiến sĩ, người dân thị trấn Trường Sa và ngư dân khai thác hải sản quanh đảo đến thắp hương, khấn vọng hương linh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống với lòng thành kính và tri ân sâu sắc.

Sư thầy Thích Huy Thái, Trụ trì chùa Sinh Tồn cho biết: Để ghi nhớ công lao và tri ân sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong sự kiện ngày 14/3/1988, hàng năm cứ đến ngày này, nhà chùa thường làm cơm chay, xếp hương, hoa tại bia phương danh để cầu siêu cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ. Hoạt động này thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Đứng trước bia phương danh 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong bảo vệ chủ quyền biển đảo ở vùng biển Gạc Ma, chị Lữ Thị Kim Cúc, người dân xã đảo Sinh Tồn không khỏi bồi hồi, xúc động.

Thả hoa và hạc giấy tại Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển, đảo Gạc Ma.

Dẫu hàng tháng, chị Cúc và chị em Hội phụ nữ xã đảo Sinh Tồn thường xuyên tổng vệ sinh xung quanh khu vực tưởng niệm, bảo quản án hương, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh quanh khu vực danh bia, thắp hương ngưỡng vọng Đức Phật và cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ, song mỗi khi đến ngày giỗ của các anh, chị vẫn không giấu nổi cảm xúc bởi các anh hy sinh khi còn quá trẻ.

Chị Cúc chia sẻ: "Chúng tôi rất trân trọng, tự hào về các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Là những người dân đang làm ăn sinh sống tại xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, chúng tôi nguyện ra sức phấn đấu để có đời sống ngày càng phát triển, chăm lo con cái học tập tốt. Kể cho các con nghe về sự hy sinh quên mình của những người lính đã kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông".

Ngoài ngày giỗ thì những ngày Rằm, ngày Mồng 1 hàng tháng và ngày lễ, Tết, bà con trên đảo Sinh Tồn đều đến chùa thắp hương và mong các anh - những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho chủ quyền biển đảo được ngủ yên trong lòng biển cả, phù hộ độ trì cho quân dân trên đảo bình an.

Anh Hồ Lữ Hiếu, Tiểu đội dân quân tự vệ xã đảo Sinh Tồn bày tỏ: "Tôi luôn trân trọng, kính phục sự hy sinh của các anh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Để đáp lại sự hy sinh quên mình của 64 anh hùng liệt sĩ trong sự kiện bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, bản thân tôi cũng như bà con nhân dân xã đảo Sinh Tồn nguyện sát cánh cùng với cán bộ, chiến sĩ xây dựng tình đoàn kết quân dân bền chặt, ra sức xây dựng đảo về mọi mặt để góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc."

Đại úy Phan Cao Lâm, đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn bày tỏ: "Dự Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma đã giúp chúng tôi hiểu biết hơn về những chiến công và sự hy sinh của thế hệ đi trước. Trước sự hy sinh cao cả, anh dũng quên mình vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng ấy, bản thân tôi rất xúc động. Chúng tôi kính dâng hương, dâng hoa lên các anh, mong các anh thanh thản, bình yên nơi biển cả, chúng tôi nguyện noi gương các anh, giữ vững biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc."

Quân dân thị trấn Trường Sa tại Lễ tri ân các liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma.

Còn mãi tinh thần và khí phách người lính giữ đảo

Trận chiến vào rạng sáng ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

Các chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng các công trình ở quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ đời sống cho quân, dân Việt Nam thì bị tàu chiến trang bị vũ khí của Trung Quốc bất ngờ tấn công.

Cuộc chiến không cân sức diễn ra khi các chiến sĩ Hải quân Việt Nam không hề có vũ khí trong tay.

Trong sự kiện ấy, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh, trong đó có 19 người lính đang đóng quân trên các đảo và 45 cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị tàu HQ 604.

Cán bộ chiến sỹ đảo Sinh Tồn trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển đảo Gạc Ma.

Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ505 không thể quên những giây phút chiến đấu hào hùng bảo vệ cụm đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao ngày đó.

Ông kể, trước sự tấn công dùng sức mạnh quân sự áp đảo nhằm uy hiếp tinh thần nhưng các cán bộ chiến sĩ của chúng ta rất gan dạ, kiên cường, dũng cảm, kiên quyết bám tàu, bám đảo để bảo vệ cờ, bảo vệ đảo.

Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần cán bộ chiến sĩ của ta, các tàu chiến của Trung Quốc đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của chúng ta, làm tàu HQ604 bốc cháy và chìm rất nhanh.

Tại đảo Gạc Ma, các cán bộ chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo.

“Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” - câu nói của Anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Các cán bộ chiến sĩ Hải quân đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đó là một ký ức không bao giờ quên với Đại tá Vũ Huy Lễ và những cựu binh đã tham gia bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988.

33 năm đã trôi qua, trong tâm trí của những người con đất Việt, những liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ các đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao ở quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988 mãi khắc ghi.

Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tinh thần ấy đã thấm sâu vào mỗi người lính đang thực hiện nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa hôm nay.

Thượng úy Phạm Văn Trường, Chính trị viên đảo Cô Lin bày tỏ: "Tinh thần quả cảm, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo là động lực to lớn cho chúng tôi tiếp tục phát huy và kế tục sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở đảo Cô Lin luôn ra sức giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó, luôn luyện tập thành thạo kỹ chiến thuật, các phương án chiến đấu, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao." 

Bia phương danh 64 Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma được đặt tại chùa Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.

Theo Trung tá Lê Trọng Thông, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, tiếp bước cha anh đi trước đang bảo vệ chủ quyền biển, đảo mỗi người lính Trường Sa luôn thấy niềm vinh dự, tự hào.

"Để làm tròn được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn luôn quán triệt, vận dung phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, đó là, “kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược”.

Xác định chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, mỗi cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”; đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho Nhân dân ta yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế" - Trung tá Lê Trọng Thông nói.

Thượng tá Đinh Văn Cường, chính trị viên đảo Trường Sa khẳng định, được công tác ở Trường Sa là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt, mỗi cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa luôn tiếp bước thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ra sức học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống.

"Đặc biệt, mỗi khi phải đối mặt với tình huống phức tạp, căng thẳng, chúng tôi luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”; thực hiện đúng đối sách, phương châm, tư tưởng chỉ đạo; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên biển; không để xảy ra xung đột; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước" - Thượng tá Đinh Văn Cường khẳng định.

33 năm đã trôi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm, không tiếc máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Người thân, đồng đội vẫn luôn khắc khoải nhớ về các anh, thế hệ hôm nay luôn phấn đấu, luyện rèn, tiếp bước cha anh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thu Lan/VOV1 (Ảnh: Nguyễn Anh – Vũ Bằng)

Tin mới