Từ năm 2022, khán giả yêu mến các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam được chứng kiến 1 sự việc hy hữu. Theo đó, 2 công ty Sen Vàng và Minh Khang liên tục khẳng định quyền sở hữu tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Trong khi đó, phía Sen Vàng nắm giữ bản quyền cuộc thi Miss Grand International thường được gọi bằng tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình. Còn phía công ty Minh Khang là đơn vị khai sinh ra cuộc thi Miss Peace Việt Nam, dịch sát nghĩa tên tiếng Việt của cuộc thi là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Chính vì có cùng tên gọi tiếng Việt nên 2 bên công ty đều muốn mình là chủ sở hữu duy nhất của tên gọi này. Cả Minh Khang và Sen Vàng đã tốn nhiều thời gian để tiến hành chuẩn bị các bằng chứng pháp lý chứng minh sở hữu của mình.
Mới đây, công ty Minh Khang tổ chức họp báo công bố 2 kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.
Kết luận thứ nhất, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã khẳng định rằng không có căn cứ cho thấy việc Công ty Minh Khang sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu Miss Grand International của một đơn vị tại Thái Lan, mà Sen Vàng được cấp quyền cho thực hiện tổ chức cuộc thi Miss Grand Việt Nam.
Đơn vị tại Thái Lan đã đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu "Miss Grand International, MGI" tại Việt Nam nhưng chưa có bất kỳ thông tin nào về việc đơn vị này đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Kết luận giám định thứ hai mà Minh Khang công bố là việc sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của Công ty Sen Vàng là có yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ”Vietnam Peace Bella và hình” mà công ty Minh Khang được bảo hộ.
Vì trước đó công ty này đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Vietnam Peace Bella và hình" từ năm 2017 và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu) số 326167 ngày 06/08/2019.
Bà Thùy Dương cho rằng Minh Khang mới có quyền sở hữu cao nhất với tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam".
Tại buổi họp báo, bà Thùy Dương đại diện Công ty Minh Khang tuyên bố: “Việc Công ty Sen Vàng chỉ căn cứ vào duy nhất một hợp đồng chuyển giao quyền tổ chức chương trình Miss Grand International để tuyên bố rằng minh có quyền sử dụng độc quyền đối với nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là không có căn cứ pháp lý”.
Đến nay cuộc tranh chấp giữa 2 công ty vì nguyên nhân trùng lặp tên gọi tiếng Việt của cuộc thi vẫn chưa đến hồi kết. Đây là sự việc hiếm thấy trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam.