Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cục NTBD phổ biến 'Tiến quân ca': Không nên làm cái việc ngồi đếm dã tràng trên bờ cát

PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương lên tiếng về việc công bố phổ biến "Tiên quân ca" của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Trước những thông tin liên quan đến việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) “cập nhật, bổ sung” danh mục được phổ biến rộng rãi 324 ca khúc,.... PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ:

"Tiến quân ca" - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng mới được Cục NTBD cập nhật vào danh mục các ca khúc phổ biến rộng rãi. 

“Với tư cách là một nhà quản lý, đồng thời là người tham gia sáng tác văn học, nghệ thuật, khi nghe được thông tin như vậy, tôi cảm thấy rất buồn. Vì, một cơ quan như Cục NTBD mà lại tư duy theo lối cũ rất cũ, thậm chí là không đúng.

Cách đây vài tháng, tôi còn nhớ Cục NTBD cấm lưu hành 5 bài hát, sự việc này đã phải đón nhận những phản ứng gay gắt từ dư luận. Việc cấm này, tôi cứ ngỡ là tai nạn nghề nghiệp hi hữu của Cục NTBD và có thể châm chước. Nhưng lần này, tôi cho rằng, họ vừa là lạm quyền, vừa không am hiểu về văn học, nghệ thuật, dù ở Cục đó, có vài ba người làm công tác quản lý nhưng cũng có chút năng khiếu sáng tác.

Đến bây giờ, trong hoạt động văn hóa, tôi muốn nói đến từ “văn hóa” được viết hoa, mà vẫn còn quá nặng về tư duy xin - cho, cấm - không cấm và hành chính hóa việc này đến mức khôi hài thì quả là khó tin, không chấp nhận được.

Sáng tạo văn học nghệ thuật là nhu cầu, là năng khiếu, là tài năng, là năng lực thẩm mỹ của mỗi con người, cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, ngay cả những người trình độ học vấn không cao.

Mỗi tác phẩm dù lớn, nhỏ, hay và không hay, tốt và không tốt, đỉnh cao hay bình thường sẽ tồn tại bằng gía trị thật và khách quan của nó. Nó được xã hội đón nhận, ngợi ca, trân trọng, lưu truyền hoặc bị dửng dưng, quên lãng, thậm chí bị chê bai, “ném đá”, lên án. Điều này diễn ra theo quy luật sáng tạo các giá trị tinh thần. Xưa cũng vậy, nay cũng vậy.

Chẳng lẽ chúng ta thời nay lại đi cấp phép cho Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Thập ân phụ mẫu, Phụ tử tình thâm, Giận mà thương, Trống cơm, Đi cấy, Lý cây bông....?

Ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng vừa được cấp nhật vào danh mục các ca khúc phổ biến rộng rãi. 

Nếu tác phẩm sai, vi phạm pháp luật thì đã có các bộ luật hoặc văn bản dưới luật điều chỉnh, xử lý. Không ai lại đi làm cái việc cấp phép hay cấm đoán từng trường hợp đơn lẻ, bình thường, không vi phạm pháp luật. Vả chăng, chúng ta có đủ lực lượng để đi làm cái việc buồn cười đó không? Nó như ngồi bên biển đi đếm dã tràng...

Trong văn học, nghệ thuật, có nhiều loại hình, nhiều lực lượng, nhiều tầng lớp, nào là văn học, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, điêu khắc, văn nghệ dân gian... nhiều, nhiều lắm, không đếm xuể. Hơi đâu mà chạy theo cấp phép, “đánh dấu”. Công dân chỉ không làm những điều pháp luật cấm, hay nói cách khác, họ làm những gì mà pháp luật không cấm.

Trong những sự việc như thế này, tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục NTBD hay các cơ quan quản lý văn hóa của Đảng, Nhà nước ở các cấp phải nghiêm túc rút ra những bài học sâu sắc, để đời, để không lặp lại cái bị coi là trò cười của cả thiên hạ. Trong nước, người dân còn bức xúc, tôi không hiểu kiều bào ở nước ngoài còn buồn và bức xúc đến độ nào”.

Video: Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam 

Nguồn: VOV

Tin mới