Cuộc bầu cử quan trọng tiếp theo của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Tổng thống Joe Biden không có tên trên lá phiếu nhưng những người được bầu vào Quốc hội, cơ quan lập pháp tiểu bang và các cơ quan chính quyền địa phương sẽ có tác động lớn đối với những gì ông có thể thực hiện trong 2 năm tới.
Các cuộc bầu cử này được gọi là “bầu cử giữa nhiệm kỳ” do được tiến hành vào thời điểm giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ.
Toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Do các hạ nghị sỹ có nhiệm kỳ 2 năm, nên toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện sẽ được bầu lại. Thượng viện có sự khác biệt. Do các thượng nghị sỹ có nhiệm kỳ 6 năm, khoảng 1/3 số ghế trong Thượng viện 100 ghế sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Năm nay sẽ có 35 ghế trong Thượng viện được bầu lại. Con số này bao gồm 34 ghế tiêu chuẩn cộng với một cuộc bầu cử đặc biệt nhằm tìm người nối tiếp 4 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Thượng nghị sĩ James Inhofe bang Oklahoma đã nghỉ hưu.
Rất nhiều bang sắp xếp để tổ chức một loạt cuộc bầu cử vào dịp này. Do đó 36 thống đốc, cũng như người đứng đầu các cơ quan bầu cử và hàng nghìn nhà lập pháp địa phương cùng vị trí địa phương, sẽ được bầu ra.
Ngày bầu cử là ngày 8/11 tới.
Toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (Ảnh minh họa)
Một trong những câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là liệu đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden có thể kiểm soát Quốc hội trong nửa nhiệm kỳ còn lại của ông hay không? Liệu đảng Cộng hòa (GOP) sẽ giành đa số tại một hay cả hai viện của Quốc hội, cho phép họ có khả năng ngăn chặn các chương trình nghị sự của Tổng thống đảng Dân chủ?
Thực tế, một trong những xu hướng chắc chắn xảy ra nhất trong chính trị Mỹ là đảng nắm giữ Nhà Trắng sẽ mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Theo bà Laura Smith, một nhà sử học về tổng thống tại Đại học Oxford, suốt hàng chục năm qua, “Đảng cầm quyền thường sẽ nhận được một hồi chuông cảnh tỉnh” trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Khảo sát do Washington Post-ABC News tiến hành trong tháng 9 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden không cao. 53% số người được hỏi không hài lòng về hiệu quả công việc của ông.
51% cử tri độc lập nói rằng họ muốn đảng Cộng hòa nắm đa số tại Quốc hội vào năm tới hoạt động như một sự kiểm soát đối với Tổng thống Biden.
Đảng Cộng hòa chỉ cần “lật” được 5 ghế của đảng Dân chủ là có thể nắm thế đa số tại Hạ viện. Về mặt lịch sử, tỷ lệ ủng hộ tổng thống ở mức thấp thường sẽ khiến đảng của ông mất hàng chục ghế tại Hạ viện trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều thành viên Cộng hòa tại Hạ viện có thể đã đảm bảo được thế đa số của họ thông qua việc tái phân chia khu vực bầu cử và ranh giới địa hạt.
Cứ 10 năm một lần, các tiểu bang phải chia lại các khu vực bầu cử và ranh giới địa hạt dựa trên dữ liệu điều tra dân số mới. Điều này được cho là nhằm phản ánh những thay đổi về dân số, nhưng nhiều chính trị gia tiểu bang tận dụng cơ hội để phân chia lại theo cách tạo lợi thế cho đảng họ. Việc làm này được gọi là “gerrymander”.
Theo các nhà phân tích bầu cử phi đảng phái tại Cook Poli Report, đảng Cộng hòa có xu hướng tích cực “gerrymander” hơn so với đảng Dân chủ.
Thế đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện còn bất ổn hơn so với Hạ viện, ít nhất là về mặt lý thuyết. Đảng Cộng hòa chỉ cần thắng 1 ghế trước đảng Dân chủ là có thể kiểm soát Thượng viện trong ít nhất 2 năm tới.
Tuy nhiên, các cuộc đua vào Thượng viện gay cấn nhất lại diễn ra ở các bang đã bỏ phiếu cho ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và một số ứng cử viên đảng Cộng hòa tham gia tranh cử là những nhân vật cực đoan nhất trong những năm gần đây.
Đảng Cộng hòa đã bày tỏ ý định sẽ phản đối mạnh mẽ chương trình nghị sự của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ nếu họ giành thế đa số. GOP cũng đã dọa sẽ trả đũa đảng Dân chủ vì cuộc điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 ở điện Capitol. Họ cũng dọa sẽ kéo Tổng thống Biden vào các cuộc điều tra, trong đó có cả cuộc điều tra nhằm vào Hunter, con trai ông Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: TF)
Bên cạnh đó Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm đa số có thể chặn các đề cử về chính trị và tư pháp của Tổng thống Biden.
Nếu đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Quốc hội, một trong những ưu tiên của họ là hạn chế những gì một Tổng thống như ông Donald Trump có thể làm. Một số thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã đề xuất dự luật để tổng thống khó loại bỏ các quan chức chính phủ liên bang bất đồng quan điểm và nhằm tăng cường bảo vệ những “người thổi còi” (whistleblower – người tiết lộ những tin tức quan trọng). Tuy nhiên, giống như hầu hết các đạo luật gây tranh cãi tại Quốc hội, đảng Cộng hòa tại Thượng viện có thể dễ dàng ngăn chặn bằng chiến thuật câu giờ được gọi là “filibuster”.
Có thể - mặc dù ít khả năng xảy ra - đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện và có đủ phiếu bầu để vượt qua các động thái cản trở đối với các vấn đề quan trọng của họ, từ quyền bỏ phiếu đến kiểm soát súng đạn. Họ cũng có thể thúc đẩy việc hệ thống hóa quyền phá thai và hôn nhân đồng giới vào luật liên bang.
“Nếu các bạn cho tôi thêm 2 thượng nghị sỹ trong Thượng viện Mỹ, tôi cam kết chúng tôi sẽ hệ thống hóa Roe (luật cho phép phá thai) và một lần nữa đưa Roe trở thành luật toàn quốc”, Tổng thống Biden tuyên bố gần đây.
Các cuộc đua thống đốc và cơ quan lập pháp tiểu bang cũng quan trọng không kém cuộc đua vào lưỡng viện quốc hội, vì rất nhiều vấn đề đốt nóng các cuộc tranh luận cấp quốc gia hiện nay như quyền phá thai, vấn đề dân chủ, gerrymandering, đều được quyết định ở cấp tiểu bang.
Theo Washington Post, một số cuộc đua thống đốc quan trọng nhất sẽ diễn ra tại các bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống. Nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc đua thống đốc tại Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, họ sẽ có cơ hội kiểm soát toàn bộ chính quyền tại các bang này.
Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế trong cơ quan lập pháp các tiểu bang, như họ đã làm được trong thập kỷ qua. Họ kỳ vọng có thể “lật” được các cơ quan lập pháp vốn do đảng Dân chủ chiếm đa số tại Colorado, Neveda và Maine.
“Đảng Dân chủ đang ‘chơi ở thế phòng ngự’ nhiều hơn trong năm nay”, chiến lược gia đảng Dân chủ Carolyn Fiddler cho biết.
Ngoài ra, còn có cuộc đua vào vị trí tổng thư ký bang (secretary of state – bang vụ khanh) - quan chức hàng đầu phụ trách bầu cử ở nhiều tiểu bang. Tại Arizona, Nevada và các bang khác, đảng Cộng hòa đã đề cử vào vị trí này các nhân vật được gắn mác “election deniers”.
Theo khảo sát của Washington Post và ABC News, kinh tế, nạo phá thai và lạm phát lần lượt là những vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
Đảng Dân chủ không chắc chắc về những gì họ có thể đưa ra nhằm lôi kéo cử tri, cho đến khi một Tòa án tối cao của Mỹ lật ngược phán quyết mang tính bước ngoặt trong vụ kiện Roe và Wade năm 1973, vốn công nhận quyền phá thai theo hiến pháp của phụ nữ và hợp pháp hóa việc này trên toàn quốc.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang cố gắng hướng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào vấn đề mà họ cho là điểm yếu nhất của đảng Dân chủ: chi phí xăng dầu và hàng hóa, cũng như lo ngại của một số cử tri về tình trạng tội phạm bạo lực và vượt biên ngày càng gia tăng.
Mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy cử tri Mỹ có nhiều quan điểm trái chiều về tác động của lạm phát đối với họ. Niềm tin của cử tri vào nền kinh tế đang phần nào trở lại khi ít nhất là chi phí xăng dầu giảm.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này, có một số ứng viên được gắn mác “election denier”. Thuật ngữ này tạm dịch là người phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Theo USA Today, “election denier” là:
- Một trong số 147 thành viên của Quốc hội đã bỏ phiếu chống lại việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 hoặc nói rằng họ sẽ làm như vậy nếu còn tại nhiệm.
- Đã công khai nói rằng cuộc bầu cử năm 2020 là “gian lận” và không rút lại tuyên bố của mình.
- Hoặc vẫn công khai nghi vấn về kết quả cuộc bầu cử năm 2020, gần hai năm sau khi kết quả đã được xác nhận.
Các nhóm phi đảng phái như United Action và các chuyên gia bầu cử cảnh báo rằng bất kỳ ứng cử viên “election denier” nào giành chiến thắng cũng có thể góp phần vào một nỗ lực đảo ngược cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.