Hơn 20 năm, cụ Lý Văn Hơn (90 tuổi, xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) gửi đơn đến các cơ quan công quyền tỉnh Đồng Nai xin lại 208ha đất trồng cao su tại xã Tam An, huyện Long Thành nhưng chưa được xử lý. Vừa qua cụ Hơn đã mất.
Cụ Hơn (khi còn sống) cầm đơn đi đòi đất hơn 20 năm.
Hơn 20 năm đệ đơn đòi đất
Theo trình bày của các con cụ Hơn, cuối năm 1971, cụ mua từ nhiều người 208,344ha đất trồng cao su tại xã Tam An, huyện Long Thành và tại xã Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Những phần đất này khi đó là đồn điền cao su đang được canh tác.
Sau khi giao dịch mua bán hoàn thành, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất thực hiện và đứng tên Lý Văn Hơn có trích lục địa bộ của Ty Điền Biên Hòa. Từ đây, nghĩa vụ thuế được cụ Hơn đóng đầy đủ đến hết năm 1976.
Thời gian tiếp theo, do thay đổi chính sách quản lý của nhà nước, trên 208ha đất trồng cao su của gia đình được cụ Hơn giao nộp cho HTX. Trong đó 22,04ha đất của ông Hơn tọa lạc tại lô A, xã An Lợi - Tam Phước - TP Biên Hòa trong trích lục địa bộ 739-740 và 310 thuộc xã An Lợi - Tam An huyện Long Thành bị Công ty cao su Đồng Nai (thuộc Tổng Công ty cao Su Việt Nam) tự ý sát nhập và sử dụng, tước đoạt quyền quản lý đất hợp pháp của ông Hơn.
Phần đất cụ Hơn cho rằng thuộc quyền sở hữu của gia đình.
Tuy nhiên, tháng 2/1995, Tổng Công ty Cao su Việt Nam có Công văn số 95/CSĐN gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Địa chính tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Long Thành với nội dung “trao trả lại 22,04ha đất cho chủ cũ” vì diện tích không nằm trong quy hoạch, yêu cầu ông Lý Văn Hơn liên hệ với cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục nhận lại quyền sử dụng đất cho gia đình.
Sau đó, cụ Lý Văn Hơn đã nhiều lần làm đơn xin được nhận lại phần đất của mình do Tổng Công ty Cao su trao trả nhưng đều không được giải quyết.
Ngày 7/8/2000, UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 2096 QĐ.CT-UBT về việc giải quyết khiếu nại của cụ Lý Văn Hơn có nội dung “không chấp nhận” khiếu nại đòi 208,344ha đất của cụ vì “không có căn cứ giải quyết”.
Cụ thể trong phần diễn giải có ghi nội dung: “Sau giải phóng, Nhà nước đưa số diện tích nêu trên vào quản lý và sử dụng theo quyết định số 188/CP ngày 25/4/1981 của Chính Phủ và đã giao cho Công ty Cao su Đồng Nai, Xí nghiệp Bò sữa An Phước sử dụng. Việc Công ty Cao su Đồng Nai có ý kiến giao trả 22.04ha đất cho địa phương để trả cho ông Lý Văn Hơn là không đúng với quy định của pháp luật. Việc bố trí sử dụng 22.04ha đất này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Lý Văn Hơn khiếu nại đòi lại 195,338 ha đất nêu trên là không có căn cứ pháp lý để giải quyết”.
Tại Văn bản số 592/BC-UBND ngày 22/11/2019, Chủ tịch UBND huyện Long Thành đã từng báo cáo Sở TN&MT Đồng Nai: “qua kiểm tra, rà soát hồ sơ tại Văn phòng HĐND-UBND huyện, Phòng TN&MT và Thanh tra huyện thì không tìm thấy hồ sơ liên quan đến việc công bố và trao Quyết định số 2096/QĐ.CT-UBT ngày 7/8/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh cho cụ Lý Văn Hơn”.
Cùng một người, 2 chữ kí khác nhau?
Tháng 5/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi tới cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định cơ quan này đã ra Quyết định số 2096/QĐ.CT-UBT vào ngày 7/8/2000 và hiện Quyết định này đã có hiệu lực thi hành.
Kèm theo văn bản trên, UBND tỉnh Đồng Nai còn có 2 tài liệu (photo) là Biên bản thể hiện việc cụ Hơn đã ký nhận Quyết định 2096/QĐ.CT-UBT vào ngày 22/8/2000 và "Quỹ phiếu thâu xuất" ngày 29/12/1994 thể hiện cụ Hơn đã nhận 86.940.000 đồng của Công ty Cao su Đồng Nai bồi hoàn 22,04ha vườn cây cao su tư nhân.
Các con của cụ Hơn lại cho rằng, chữ ký của cụ Hơn trong hai văn bản trên là khác nhau, do hai người viết ra.
Để làm rõ nghi vấn này, cần thiết phải giám định các chữ ký trên xem có phải của cụ Hơn hay không nhằm khẳng định rõ cụ Hơn có được nhận Quyết định 2096/QĐ.CT-UBT hoặc tiền bồi thường hay không?
Nếu chữ ký không phải của cụ Hơn thì cũng có nghĩa cụ chưa nhận được tiền bồi hoàn hoặc chưa nhận được Quyết định số 2096/QĐ.CT-UBT nên đương nhiên đương sự còn quyền khiếu nại theo quy định.
Theo tìm hiểu, với giá cho thuê đất và giá trị thực tình trạng đất hiện tại, chỉ tính riêng 22.04 ha đất mà cụ Hơn khiếu kiện tại xã An Lợi cũng lên tới cả trăm tỷ đồng.