Trước khi hấp hối, ông Bản cố nắm tay vợ và căn dặn: “Nếu ai có nói gì thì kệ họ, tôi cũng đã hết sức rồi, nếu tôi có mệnh hệ nào thì bà nhớ thay tôi chăm sóc khu Hoành Sơn Quan, chứ đừng để hoang, lãnh lẽo là tội lắm...”. Và đến nay, cứ ngày ngày bà Ngùy lại lên đỉnh Hoành Sơn Quan để làm tiếp công việc của ông Bản. Có người tính mỗi ngày từ nhà lên đến Hoành Sơn Quan rồi quay về, bà Ngùy đi 1 vạn bước chân.
Như một lời tri ân với di tích huyền thoại
Hơn 20 năm qua, một đôi vợ chồng già ngày ngày lặn lội gần chục cây số trèo lên khu di tích dưới chân núi Hoành Sơn Quan ở Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh để quét dọn, sửa sang, thắp đèn nhang cho khu di tích. Đó là vợ chồng ông Bùi Đức Bản và bà Nguyễn Thị Ngùy, ở Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1.000 bậc. Mặc dù, trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử nhưng đỉnh Hoành Sơn Quan vẫn uy nghi, trấn vũ tỏa bóng cả một vùng trời.
Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Ngùy vẫn cẩn mẫn quét dẹp khu di tích Hoành Sơn Quan |
Như một lời tri ân với di tích huyền thoại, tri ân với đại ngàn Đèo Ngang sừng sửng vi vu với nắng, gió. Dưới chân núi Hoành Sơn Quan (xóm Minh Thành, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất hiện đôi vợ chồng già đã hơn 70 tuổi, ông Bùi Đức Bản và bà Nguyễn Thị Ngùy, cứ ngày ngày lặn lội gần chục cây số từ nhà lên khu di tích để quét dọn, sửa sang. Lấy gió ngàn vi vu làm bạn, lấy cơ cây làm nhà. Gần 20 năm qua, vợ chồng ông Bùi Đức Bản và bà Nguyễn Thị Ngùy không kể ngày mưa hay nắng cứ vào buổi sáng hàng ngày đã lên đây chặt cây dại, quét dọn khu di tích Hoành Sơn Quan. Thậm chí, nhiều đêm mưa gió bão bùng hai ông bà lão đã thức trọn đêm cùng di tích. Vì thế, nhiều người ví von ông bà lão như là tri kỷ của Hoành Sơn Quan vậy.
Không ít người hỏi, ông bà nghèo thế làm lụng kiếm ăn qua ngày chưa đủ sao lại làm cái việc không công của thiên hạ này. Tuy nhiên, ông bà chỉ cười: “Người ta cứ hay quan tâm đến chuyện công cán, lợi ích. Làm chi có ai thuê, ai nhờ đâu? Làm chi mà thấy cái bụng mình vui là làm… Lạ thiệt, còn chuyện di tích Hoành Quan Sơn bao năm nay rừng hoang, cỏ rậm, cần người dọn dẹp, quét tước, dâng hương cho khỏi lạnh lẽo thì không ai quan tâm”.
Rồi ngày này qua ngày khác, hai ông bà ròng rã làm cái việc mà thiên hạ cho là “vô công rồi nghề”. Hai ông bà dậy từ lúc sáng sớm, tay cầm rựa, tay kia cầm hương, vai khoác can nước, rời nhà, leo tuốt lên đỉnh đèo. Ông chặt cây, mở đường, dọn cỏ, xếp đá... lủi thủi thân già từ sáng sớm đến tối mịt, còn bà lo quét dọn di tích. Thức ăn của họ may ra chỉ mo cơm và mấy miếng cà pháo mặn chát.
Lâu lâu ông bà lại xin tiền con cái, tằn tiện mua lư hương, bát nước, cái chổi, ngày ngày chăm chút cho cả khu di tích nổi tiếng sạch, đẹp và ấm áp hương khói, mở lối cho khách du lịch thập phương đến tham quan.
Ít năm sau, ngành du lịch Hà Tĩnh cho trùng tu lại Hoành Sơn Quan, đền thờ bà Công chúa Liễu Hạnh và một số cụm di tích khác trên đỉnh đèo để bảo quản.
Hơn một vạn bước chân mỗi ngày
Trước khi hấp hối, ông Bản cố nắm tay vợ và căn dặn: “Nếu ai có nói gì thì kệ họ, tôi cũng đã hết sức rồi, nếu tôi có mệnh hệ nào thì bà nhớ thay tôi chăm sóc khu Hoành Sơn Quan, chứ đừng để hoang, lãnh lẽo là tội lắm...”. Và đến nay, cứ ngày ngày bà Nguỳ lại lên đỉnh Hoành Sơn Quan để làm tiếp công việc của ông Bản. Có người tính mỗi ngày từ nhà lên đến Hoành Sơn Quan rồi quay về, bà Ngùy đi một vạn bước chân.
Bà kể: “Dù mưa hay nắng tôi đều đến Hoành Sơn Quan. Có bữa, tôi định không đi vì gió mưa dữ quá nhưng ngước nhìn lên bàn thờ chồng, dường như ông lại nhắc nhở tôi đừng bỏ dở công việc.. Thế là tôi lại khoác áo đi...”
Rồi bà rưng rưng lệ: “Tôi nhớ ngày ông còn sống, ông khóc vì thấy khu di tích này hoang phế. Hằng ngày, tôi phải canh chừng tụi con nít, chúng nó hay đùa nghịch, chặt cây, phá phách mái chùa, hương đèn, cho trâu bò ăn cỏ, đi lại bừa bãi. Khách tham quan ăn uống, vứt vỏ lon bia, bao thuốc lá, hộp bánh kẹo khắp nơi”.
Ngày nào tôi cũng phải nhặt nhạnh, dọn dẹp và nhắc nhở họ. Người tốt thì xin lỗi, số khác thì cự nự: “Bà có phải nhân viên du lịch đâu mà bắt nạt khách phải giữ vệ sinh?”. Song bà không để bụng “Tôi gom vỏ bia, bao nilông, đem xuống bán cho mấy người đồng nát, góp từng đồng để mua hương đèn chăm đển cho các anh các chị đến viễn cảnh”...
Những ai qua đây, ít người biết chuyện một bà già mù chữ nhưng vẫn phải dọn dẹp những chữ vô văn hóa viết bậy lên tường. Bà chỉ cho chúng tôi những dòng chữ được viết bằng sơn ghi tên của 8 dũng sĩ quân đội đã hy sinh trong một trận đánh trả máy bay Mỹ để bảo vệ Hoành Sơn Quan.
Theo An ninh thủ đô