Tổng Cục Thống kê dự báo, kinh tế thế giới trong năm 2020 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Để Việt Nam đạt được mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4%, xuất nhập khẩu tăng 7%, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương cần tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh; đặc biệt giải pháp nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đặc biệt nhấn mạnh đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn cũng là một ẩn số, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiềm chế CPI năm 2020 dưới 4%.
Báo cáo của Tổng Cục thống kê cho thấy, năm 2019, GDP tăng 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội giao ban đầu là 6,6% đến 6,8%. Trong khi đó, dù giá mặt hàng thịt lợn - loại thực phẩm chính tăng giá phi mã trong tháng 11, CPI vẫn ở mức thấp.
Giá thịt lợn thách thức CPI năm 2020?
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá cho biết, quý 4 năm 2019, CPI tăng 2,01% so với quý trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.
Theo bà Ngọc, riêng giá thịt lợn khiến CPI tháng 12 tăng 1,05%. "Giá thịt lợn từ tháng 10 tăng cao 7,85%, tháng 11 tăng 18,51% và tháng 12 là 19,7%", bà Ngọc cho biết.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng hơn 1,4% so với tháng trước, cao nhất 9 năm qua, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42% do dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung thịt lợn giảm, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thay thế thịt lợn tăng.