Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng cao nhất từ năm 2016 đến nay, dù giá xăng dầu trong nước liên tiếp được điều chỉnh giảm sâu.
Trong đó, tính riêng tháng 6/2020 có mức tăng 0,66%, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất. CPI quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6, mặc dù vậy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Các yếu tố kìm bớt đà tăng CPI trong 6 tháng qua là do giá gạo giảm 0,45% so với tháng trước vì vụ lúa Đông Xuân năm 2020 cả nước cơ bản đã thu hoạch xong, sản lượng thu hoạch lớn; Giá các mặt hàng thủy hải sản tươi sống giảm 0,52% so với tháng trước, do chi phí đầu vào giảm và nhiều mặt hàng cho thu hoạch tốt.
Tổng Cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.