Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COVID-19 tái phát: Chưa kịp ‘hồi’ đã bị ‘lụi’, doanh nghiệp lữ hành chờ phá sản

(VTC News) -

Đối với hàng loạt doanh nghiệp du lịch, COVID-19 tái phát lần này giống như một đòn chí mạng, dập tắt nỗ lực phục hồi sau cú ngã vì đại dịch cách đây không lâu.

Xu hướng hủy tour của khách du lịch đã đạt đến gần 100% ngay sau khi thông tin dịch COVID-19 tái phát tại Đà Nẵng được công bố. Thống kê của một loạt các công ty lữ hành nội địa cho thấy, 100% khách hủy tour đi các điểm có dịch, 60-70% khách hủy tour đến những điểm không có dịch.

Người tiêu dùng dồn dập hủy tour du lịch, sau khi COVID-19 bùng phát trở lại. (Ảnh minh họa)

Điều này chẳng khác nào đòn chí mạng, dập tắt nốt tia hi vọng vừa mới được nhen nhóm của ngành du lịch nội địa, sau một thời gian kích cầu”, ông Lê Tấn Thanh Tùng, đại diện Công ty du lịch VITOUR tại Đà Nẵng cho hay. Trong giai đoạn du lịch nội địa khởi sắc trở lại, VITOUR tung các gói kích cầu để thu hút du khách và đạt được mức phục hồi khá ấn tượng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 tái phát và diễn biến phức tạp đã khiến kế hoạch phục hồi của đơn vị này đổ bể. “Hiện nay, gần như 100% khách hàng book tour Đà Nẵng đã hủy hết, kể cả những tour sau này”, ông Tùng nói.

Ông Lê Hoàng Khánh Long, Giám đốc Công ty CP Du lịch Exotissimo Việt Nam cũng thừa nhận, đợt tái phát dịch bệnh này khiến tương lai các doanh nghiệp lữ hành càng trở nên “mờ mịt”. “Không ai đoán được bao giờ du lịch mới có thể hồi phục. Nếu sớm nhất, cũng phải đến giữa năm sau. Từ bây giờ cho đến lúc đó, sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản. Đợt tái phát dịch COVID-19 tại Việt Nam khiến ngành du lịch chưa kịp hồi thì đã bị lụi", ông Long nhận định. Nói riêng về công ty mình, ông Long cho biết doanh nghiệp vẫn đang cố hoạt động cầm chừng. Tuy khó đưa ra con số thiệt hại nhưng chắc chắn những thành quả qua nhiều năm có được đã trở nên khánh kiệt.

Trong khi đó, theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, việc xuất hiện những trường hợp mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và một số địa phương đã gây ra làn sóng hủy tour, không đặt tour mới của người tiêu dùng và xu hướng này còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Du lịch thường xuyên trao đổi với Sở Du lịch Đà Nẵng để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo xử lý những tình huống du khách hoãn, chuyển đổi tour, di chuyển khách ra khỏi địa bàn Đà Nẵng.

Tổng cục Du lịch cũng đang nắm bắt thông tin từ các địa phương có dịch để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn ngành du lịch địa phương bảo đảm quyền lợi cho khách. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng chống dịch của Đảng và Chính phủ, song song với việc chuẩn bị các phương án, kịch bản phục hồi du lịch khi điều kiện cho phép.

Theo tính toán, chỉ trong ba tháng từ tháng 2 đến tháng 4/2020, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 6-7 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thiệt hại của ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, du lịch được coi là một ngành kinh tế quan trọng với đóng góp trực tiếp vào GDP năm 2019 là 9,2%, chưa kể đóng góp gián tiếp và lan tỏa. Sự đóng băng và đổ vỡ của chuỗi giá trị du lịch sẽ không chỉ tác động trong riêng ngành du lịch mà còn ảnh hưởng tới cả các ngành, lĩnh vực liên quan khác như thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, vận tải...

 

Đào Bích

Tin mới