Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COVID-19 ở ĐNA: Số ca nhiễm mới trong 5 tuần qua ở Thái Lan vượt cả năm 2020

(VTC News) -

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với làn sóng dịch nghiêm trọng nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 5/5 cho biết, hơn 2.7 triệu ca mắc COVID-19 và 25.000 người chết vì dịch được ghi nhận trong tuần qua tại Đông Nam Á, tăng 19% và 48% so với tuần trước.

Thái Lan, quốc gia từng kiểm soát tốt dịch bệnh đang phải gồng mình đối phó với làn sóng dịch thứ ba. 

Tính đến 31/3, Thái Lan ghi nhận 28.863 ca mắc COVID-19. Nhưng chỉ trong vòng năm tuần, con số này tăng lên hơn 76.000. Như vậy, chỉ trong 5 tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đã vượt cả tổng số ca trong năm 2020.

Liên tiếp hai tuần qua, số ca bệnh mới trung bình trong ngày tại Thái Lan vượt trên 2.000 trường hợp.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thăm một bệnh viện dã chiến ở thủ đô Bangkok. (Ảnh Bưu điện Bangkok)

Giáo sư Prasit Watanapa, Chủ nhiệm Khoa Y tế của Bệnh viện Siriraj ở thủ đô Bangkok cảnh báo, Thái Lan đang tiến tới giai đoạn khủng hoảng thực sự nếu số ca mắc và chết vì COVID-19 không giảm.

Khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, các trung tâm thể thao, hội trường và khách sạn tại Thái Lan được được cải tạo thành bệnh viện dã chiến để đáp ứng cơn "lũ" bệnh nhân.

Trong tuyên bố trấn an trên truyền hình hôm 7/5, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để cung cấp giường cho bệnh nhân.

Các biện pháp siết chặt biên giới giúp Campuchia kiểm soát tốt dịch bệnh. Cuối tháng 2, Campuchia ghi nhận khoảng 500 ca bệnh. 

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu trở nên xấu đi sau sự cố lây nhiễm cộng đồng 20/2. Tính tới hiện tại, nước này có hơn 17.000 ca mắc COVID-19 và 114 người thiệt mạng. 

Trong ba tuần trở lại đây, Campuchia liên tục ghi nhận trên 500 ca nhiễm trong một ngày. Có ngày, nước này ghi nhận gần 1.000 ca bệnh.

Hồi giữa tháng 4, Thủ tướng Hun Sen khẳng định tình thế hiện tại ở Campuchia đang hết sức cấp bách.

“Chúng ta đang đứng trước hố tử thần. Nếu chúng ta không cùng nhau cố gắng thì chúng ta sẽ bị rơi vào hố tử thần này. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ biến khó khăn hiện nay thành cơ hội, sau 14 ngày nữa chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh", ông Hun Sen cho hay. 

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia cũng cảnh báo Campuchia đang bên bờ vực thảm kịch quốc gia và nếu nước này không chặn đứng được đợt bùng phát đang diễn ra, toàn bộ hệ thống y tế có nguy cơ bị nhấn chìm, gây ra những hậu quả thảm khốc.

Tuần trước, Indonesia - vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á ghi nhận trung bình 5.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Hôm 3/5, Indonesia lần đầu tiên ghi nhận ca mắc biến thể COVID-19 ở Ấn Độ. 

Từ ngày 6/5-17/5, Indonesia ban hành lệnh cấm đi lại trong thời gian lễ hội Eid ul-Fitr. 

Các chuyên gia lo ngại Indonesia có thể trở thành Ấn Độ thứ hai. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vậy, các chuyên gia lo ngại lệnh cấm sẽ không có nhiều tác dụng tại quốc gia có tới 87% trong tổng số 270 triệu dân là người Hồi giáo.

Hàng năm, hàng triệu người Indonesia trở về quê nhà thăm gia đình, tạo ra làn sóng di chuyển ồ ạt tiếng địa phương gọi là "mudik" trong dịp lễ Eid ul-Fitr. Năm 2020, Indonesia cũng ban hành lệnh cấm đi lại trong thời gian diễn ra Eid ul-Fitr, nhưng nhiều người vẫn né lệnh cấm dẫn tới tình trạng bùng phát dịch sau lễ hội. 

Một cuộc thăm dò của Bộ Giao thông Indonesia cho thấy, 18 triệu dân vẫn có kế hoạch trở về quê nhà năm nay. Theo thống kê, hơn 640.000 người đã rời khỏi khu vực đại đô thị Jakarta chỉ trong tuần trước. 

Hermawan Saputra, thành viên Hiệp hội Y tế cộng đồng Indonesia cho biết hệ thống y tế vốn đã kiệt quệ của Indonesia sẽ quá tải nếu số ca bệnh tăng từ 30-50%.

Ông này cũng cảnh báo tâm lý chủ quan, việc thực thi lỏng lẻo các quy định, tình trạng thiếu phối hợp giữa các cơ quan chính phủ cùng sự lây lan mạnh của các biến chủng có thể đẩy Indonesia vào thảm kịch như ở Ấn Độ.

Song Hy (Nguồn: Yonhap, SCMP)

Tin mới