Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

COVID-19 ở Ấn Độ: Bác sĩ ám ảnh vì phải chỉ định sự sống chết của bệnh nhân

(VTC News) -

"Con người chúng ta không được sinh ra để quyết định ai được cứu giúp, ai thì không, nhưng ở thời điểm này chúng tôi buộc lòng phải làm vậy", bác sĩ ở New Delhi nói.

Một ca làm việc của bác sĩ Rohan Aggarwal, 26 tuổi, tại bệnh viện Holy Family ở New Delhi, Ấn Độ, kéo dài 27 giờ. Dù vẫn còn một năm nữa mới hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ, anh Aggarwal đã phải đảm nhiệm trọng trách quan trọng tại một trong những bệnh viện tốt nhất ở Ấn Độ.

Hàng ngày, anh phải quyết định sẽ cứu sống ai trong số những người mắc COVID-19 có tình trạng nguy hiểm, giữa những tiếng van xin từ người nhà bệnh nhân.

Bác sĩ Rohan Aggarwal, 26 tuổi, làm việc tại bệnh viện Holy Family ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Tất cả những ai có mặt tại bệnh viện Holy Family, từ nhân viên, bệnh nhân, đến người nhà của họ, đều hiểu rõ rằng không có đủ giường, oxy hay máy thở để cứu giúp tất cả những người cần chữa trị. Trong tình cảnh đó, các bác sĩ buộc phải lựa chọn: cứu ai, từ bỏ ai?

Đáng lẽ việc ai được cứu giúp, ai thì không, nên do Chúa trời quyết định. Con người chúng ta không được sinh ra để làm điều đó. Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi buộc lòng phải làm vậy", bác sĩ Aggarwal nói.

Bệnh viện Holy Family là một trong những cơ sở y tế tốt nhất Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Quyết định sự sống chết

Sự sống thiêng liêng của con người giờ đây bị định đoạt theo một tiêu chí đơn giản, chỉ vì không đủ thiết bị y tế.

Nếu một bệnh nhân phát sốt và tôi biết anh ấy bị bệnh nhưng không cần thở oxy, thì tôi không thể tiếp nhận anh ấy”, bác sĩ Aggarwal cho biết.

Đó là tiêu chí quyết định. Rất nhiều người đang chết ngay trên phố vì thiếu oxy. Vì vậy chúng tôi thường từ chối tiếp nhận những ca bệnh không cần hỗ trợ thở oxy”.

Đôi khi, vị bác sĩ trẻ phải chọn cứu một người giữa các ca bệnh nghiêm trọng do bệnh viện không đủ điều kiện để chăm sóc cho tất cả bệnh nhân.

Trong một trường hợp khác, tôi phải lựa chọn giữa một bệnh nhân lớn tuổi và một chàng trai trẻ. Cả hai đều cần oxy lưu lượng cao trong khi chỉ còn duy nhất một giường trong ICU. Tôi không thể kìm nén cơn xúc động khi phải lựa chọn giữa hai người, người lớn tuổi có thể là cha của một ai đó, nhưng người trẻ hơn phải được cứu".

Dù đang ở đâu, bác sĩ Aggarwal cũng tưởng như nghe được âm thanh của máy đo nhịp tim tắt dần. Anh không thể nào quên được những bệnh nhân đã chết trong ca làm việc của mình, chẳng phải vì không thể chạy chữa, mà là không đủ điều kiện để chữa.

Cơ sở có sức chứa 275 người của bệnh viện Holy Family hiện đang chăm sóc cho 385 bệnh nhân. (Ảnh: Reuters)

Tuyệt vọng

Bệnh viện Holy Family, nơi anh Aggarwal làm việc, là một trong những cơ sở y tế tốt nhất Ấn Độ, thu hút bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới. Khi làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát, tình hình ở đây vẫn tốt hơn nhiều bệnh viện công khác, nơi nhiều bệnh nhân phải chen chúc nằm một giường hoặc bỏ mạng trên xe cứu thương.

Dù vậy, bệnh viện vẫn chìm trong bầu không khí tuyệt vọng.

Cơ sở có sức chứa 275 người của Holy Family hiện đang chăm sóc cho 385 bệnh nhân. Số lượng giường bệnh thông thường và giường dành riêng cho bệnh nhân COVID-19 đã chật kín từ nhiều tuần trước.

Thông thường, những ca bệnh dễ xử lý như gãy xương, ho và cảm lạnh sẽ do các bác sĩ cấp dưới tại khoa cấp cứu (ER) tiếp nhận, trong khi các chuyên gia tư vấn và bác sĩ cấp cao phụ trách khu Chăm sóc Tích cực (ICU), nơi các ca bệnh nghiêm trọng leo thang nhanh chóng. Nhưng hệ thống này đã hoàn toàn bị đảo lộn trong đại dịch.

Các bác sĩ trực trong phòng cấp cứu bỗng trở thành một trong những người giữ vai trò quan trọng nhất trong bệnh viện, một trong số họ là bác sĩ Rohan Aggarwal.

Hàng ngày, vị bác sĩ trẻ tuổi bắt đầu ca làm việc vào khoảng 9 giờ sáng. Anh đã quen với cảnh có thể bắt gặp thi thể tại khu vực đặt thiết bị bảo hộ, cảnh bệnh nhân cùng người thân chen chúc nhau trong mọi phòng bệnh. Thậm chí, đôi khi anh còn thấy bệnh nhân nằm chung với các thùng rác y tế.

Trước khi tới khu vực ER, Aggarwal cần ưu tiên kiểm tra 65 bệnh nhân COVID-19 cùng một bác sĩ cấp cao, anh chỉ có thể dành tối đa 3 đến 4 phút cho mỗi người.

Số lượng giường bệnh ở bệnh viện Holy Family đã chật kín từ nhiều tuần trước. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh áp lực công việc, Aggarwal cùng các y bác sĩ khác tại bệnh viện còn phải đối mặt với nguy cơ bị người nhà bệnh nhân tấn công bạo lực.

Tháng trước, tại một bệnh viện khác trong thủ đô New Delhi, người thân của một bệnh nhân tử vong đã đâm bị thương nhân viên y tế. Sau vụ việc này, tòa án thành phố cảnh báo rằng các y bác sĩ khác có thể gặp tình huống tương tự nếu tình trạng thiếu hụt giường bệnh và thiết bị y tế tiếp diễn.

Bệnh viện Holy Family đã bố trí nhân viên bảo vệ trước phòng cấp cứu để bảo vệ các bác sĩ, nhưng nguy cơ bị người dân tấn công vẫn tồn tại.

Điều kiện làm việc quá khắc nghiệt đang bào mòn tinh thần của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.

Các bác sĩ và y tá đang mất tinh thần. Họ biết mình có thể làm việc tốt hơn, nhưng họ không có đủ thời gian", ông Sumit Ray, giám đốc bệnh viện Holy Family đồng thời là bác sĩ đứng đầu khoa ICU, cho biết.

Cơ hội để người mắc COVID-19 ở Ấn Độ được nhập viện và hưởng đầy đủ sự chăm sóc y tế là rất nhỏ. (Ảnh: Reuters)

Trên toàn bộ thành phố New Delhi, chỉ có không quá 20 trong số hơn 5.000 giường ICU dành cho bệnh nhân COVID-19 trống cùng một lúc. Vì vậy, cơ hội để người mắc COVID được nhập viện và hưởng đầy đủ sự chăm sóc y tế là rất nhỏ.

Những gia đình có người thân mắc bệnh phải di chuyển từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, tuyệt vọng tìm kiếm một giường trống, người bệnh không được chữa trị kịp thời có thể chết ngay trên đường phố hoặc tại nhà.

Cùng với các bệnh viện, hàng loạt lò hỏa táng ở thủ đô Ấn Độ cũng hoạt động suốt ngày đêm. Từ xa, người ta có thể trông thấy khói bốc lên nghi ngút khi thi thể mới của bệnh nhân COVID-19 được đưa vào hỏa thiêu sau mỗi vài phút.

Hiện Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19, chỉ sau Mỹ. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 21.640.667 ca nhiễm, trong đó có 235.189 người chết.

Trần Trang

Tin mới