Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Còn cho sản xuất ồ ạt, bán túi nylon bằng cân, môi sinh còn chết

(VTC News) -

Túi nylon phải trở thành mặt hàng được kiểm soát đặc biệt cả ở khâu sản xuất lẫn tiêu thụ, vì nếu cứ cho bán bằng cân như hiện nay, môi sinh sẽ hết cơ hội hồi sinh.

Ở Việt Nam, bạn chỉ cần mua mấy cọng hành, nó sẽ được bỏ vào riêng một cái túi nylon trước khi trao cho bạn, dù trên tay bạn là dăm cái túi đựng rau củ khác vẫn còn rộng rãi.

Mua rau ở cùng một hàng, nếu bạn yêu cầu cho mớ kinh giới vào túi riêng, mớ rau cải vào túi khác, không người bán nào từ chối, dù đó là tiểu thương có sạp hàng tươm tất hay chị bán rong quẩy gánh trên đường.

Ở các hiệu thuốc hay cửa hàng tiện lợi, dù bạn chỉ mua một vỉ thuốc cảm, một cái kẹp tóc hay cục tẩy – những mặt hàng kích thước rất nhỏ có thể cầm trên tay, cho vào túi áo, túi quần hay túi xách, người ta vẫn “chu đáo” bỏ nó vào túi nylon.

Và khách hàng chẳng mấy ai từ chối dù không hề cần. Họ có thừa mứa các loại đồ đựng, nhưng túi nylon thì không mất tiền, nếu được đưa thì cứ cầm, về nhà không dùng thì vứt đi.

Tất cả chỉ vì túi nylon quá rẻ. Nó là đồ được phát miễn phí ở tất cả các chợ, siêu thị, cửa hàng, còn nếu bán thì bán theo cân, mỗi cân là hàng trăm chiếc túi. Trên Shopee, loại túi mà những người bán hàng ở chợ thường sử dụng được bán với giá 35 -40 nghìn đồng một cân, có những shop chỉ rao hơn 20 nghìn đồng.

Với giá ấy, bất cứ người bán hàng nào cũng tha hồ thể hiện sự hào phóng, khách muốn xin thêm bao nhiêu túi cũng có. Bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nylon mỗi tháng, trung bình mỗi ngày 4 túi. Mỗi năm, toàn quốc sử dụng hơn 30 tỷ túi nylon.

Phần lớn cơ sở bán hàng đều đang phát miễn phí túi nylon cho khách. (Ảnh: Shutterstock)

Vài chục năm trước, khi túi nylon chưa phổ biến như bây giờ, người ta còn cất trữ, giặt nó để tái sử dụng, nhưng nay chẳng ai làm thế vì tiền nước còn tốn hơn tiền túi, chưa kể phải phơi phóng nhếch nhác. Cũng chẳng mấy ai hơi đâu phân loại nó để bán đồng nát (túi mới còn chẳng đáng tiền nữa là túi bẩn vứt đi) nên người ta thẳng tay cho nó vào thùng rác.

Cái túi siêu nhẹ. Thái độ của con người khi trao và nhận nó hay khi vứt nó đi cũng đều nhẹ tênh. Những cái nhẹ ấy tạo nên gánh nặng khủng khiếp cho môi trường, cho sự sống trên Trái đất – gánh nặng mà loài người đã phải còng lưng chống đỡ từ lâu rồi chứ không phải ở tương lai xa xôi nào nữa.

Túi nylon làm tắc nghẽn cống rãnh, ứ đọng nước thải, làm bẩn nguồn nước ngầm khi bị chôn vùi trong lòng đất, khiến không khí trở nên quá độc để thở khi bị đốt bỏ, và chúng tàn sát các loài sinh vật. Ở đại dương, mỗi năm có 100.000 con rùa và các loài động vật biển khác chết vì bị túi nylon “bóp cổ” hoặc do nhầm đó là thức ăn.

Nhưng con số đó chắc chắn là rất nhỏ nếu so với tương lai gần, bởi tốc độ ô nhiễm nhựa trên Trái đất đang nhanh như cơn lốc. Dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa được xả thẳng ra biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá của mọi đại dương trên toàn thế giới.

Cùng với những rác thải nhựa khác, túi nylon giải phóng các hạt vi nhựa ra môi trường sống và chúng đang hiện diện ở bất cứ đâu trên Trái đất. Hạt nhựa được tìm thấy trong cơ thể vô số loài sinh vật từ chim trời, cá nước đến con người. Không ai có thể tránh được hạt vi nhựa bởi chúng tồn tại ở mọi nơi, trong không khí, nước uống, thức ăn…

Hàng loạt nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong phân con người, trong nhau thai, trong phổi người… Kinh khủng hơn, vào năm 2022, GS Dick Vethaak - nhà nghiên cứu về chất độc sinh thái của Hà Lan, đã kiểm tra mẫu máu của 22 người hiến khỏe mạnh và phát hiện các hạt vi nhựa trong 17 mẫu. Một phần tư số mẫu máu được kiểm tra chứa polyetylen - vật liệu để sản xuất túi đựng bằng nhựa.

Rõ ràng, túi nylon cũng như các loại rác nhựa khác đang bức tử môi sinh và giết dần giết mòn các loài sinh vật, hủy hoại con người. Thế nhưng nó lại đang được chính con người “sủng ái” như một biểu tượng của tiện nghi trong cuộc sống hiện đại.

Giống như chuyện uống thuốc độc giải khát, tuy biết rõ rồi loài người sẽ diệt vong nếu Trái đất trở thành bãi rác thải nhựa khổng lồ, nhưng mỗi ngày chúng ta vẫn cứ thản nhiên cầm lấy những món đồ được đựng trong túi nylon.

Tình trạng này chỉ có thể chấm dứt nếu túi nylon không còn đơn thuần là thứ đựng hàng hóa mà bản thân nó phải trở thành mặt hàng đắt đỏ. Mặt hàng này cần được kiểm soát đặc biệt ở cả khâu sản xuất và tiêu thụ, người nào muốn dùng nó đều phải mua với giá cao gấp vài trăm lần giá thành. Số tiền chênh lệch ấy sẽ được đưa vào quỹ xử lý tác hại của rác thải nhựa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng phát biểu trong lễ khởi động chương trình “Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam” ngày 23/12/2020: "Những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa".

Nhưng để mọi người sử dụng và thải bỏ nó đúng cách, việc cung cấp kiến thức về tác hại của loại rác này là chưa đủ. Phải làm túi nylon trở nên khó tiếp cận, mọi người phải trả giá đắt mới có được nó.

Muốn vậy, phải có bàn tay can thiệp, kiểm soát mạnh mẽ của Nhà nước. Sẽ không ai thấy điều này là bất hợp lý nếu chúng ta coi việc hạn chế túi nylon là chuyện sinh tử. Chừng nào còn cho sản xuất ồ ạt, bán túi nylon bằng cân, môi sinh còn chết, và không có cơ hội hồi sinh.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trần Hồng

Tin mới