Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có thể xuất hiện bão sao băng cực lớn cuối tháng 5

Cuối tháng 5 năm 2022, người yêu thiên văn sẽ có thể được chiêm ngưỡng mưa sao băng tuyệt đẹp mang tên Tau Herculids.

Tau Herculids là sao chổi 73P/Schwassmann-Wachmann 3, được gọi tắt là SW3, một "sao chổi ma" từng khiến các nhà thiên văn nhiều lần bất ngờ.

Tau Herculids được các nhà thiên văn tìm thấy vào năm 1930. Nó quay quanh mặt trời 5,4 năm một lần. Bản chất nó không phải là một sao chổi sáng. Nhưng đó là một sao chổi đặc biệt thú vị.

Vào năm 1995, sao chổi SW3 được dự đoán sẽ tiếp cận gần Trái Đất lần nữa. Nhưng thứ xuất hiện không còn là một sao chổi ma quái và mờ nhạt, mà là thứ gì cực kỳ sáng bằng mắt thường, sáng gấp 400 lần. Các quan sát của Đài thiên văn Nam Âu đặt tại La Silla - Chile cho thấy hạt nhân nhỏ bé của SW3 đã nổ tung, khiến nó bị chia thành 4 phần lớn và vô số mảnh vụn.

Năm nay, Trái Đất sẽ vô tình bay quanh đám mây mảnh vỡ mà SW3 tạo thành, điều có thể dẫn tới một trận mưa sao băng cực kỳ lớn.

Dự kiến, siêu mưa sao băng sẽ xuất hiện rực rỡ vào đêm 30, rạng sáng 31/5, có thể trước hay sau 1 ngày tùy theo múi giờ. Tuy nhiên, bão sao băng là sự kiện không thể đoán trước nên các nhà khoa học chưa thể chắc chắn điều này.

Trận mưa sao băng này có thể diễn ra theo 2 kiểu. Một là, đó là một siêu mưa sao băng thuộc hàng vĩ đại nhất mọi thời đại. Kịch bản thứ 2, xác suất thấp hơn và không được trông đợi, đó là... không thấy ngôi sao băng nào hết.

"Đây sẽ là sự kiện 'được ăn cả, ngã về không'. Nếu các mảnh vỡ từ Schwassmann - Wachmann 3 di chuyển với vận tốc khoảng 350 km/h khi tách khỏi sao chổi, chúng ta có thể thấy một trận mưa sao băng tuyệt đẹp. Nếu các mảnh vỡ có tốc độ bay chậm hơn thì sẽ không có gì tới được Trái Đất và không có sao băng nào từ sao chổi này", chuyên gia Bill Cooke tại NASA cho biết.

Mưa sao băng Tau Herculid có thể quan sát ở phần lớn Bắc Mỹ vào khoảng 1h ngày 31/5 theo múi giờ EDT (chạng vạng ngày 30/5 ở vùng bờ biển phía Tây). Người Nam Mỹ sẽ nhìn thấy ít sao băng hơn vì điểm phát sao băng sẽ thấp ở phía Bắc, nhưng khá chắc chắn là Mặt Trời đã lặn khi bão sao băng diễn ra. Nếu các tính toán bị lệch vài tiếng, người quan sát ở châu Âu, châu Phi, hoặc châu Á và Australia có thể gặp may.

Nguồn: Tiền phong

Tin mới