Sau thời gian "lặng sóng", thị trường vàng trong nước đầu tháng 4 liên tục biến động, không ngừng lập kỷ lục, gây bất ngờ cho người tiêu dùng. Một chuyên gia kinh tế nhận xét, việc giá vàng tăng tới vài triệu đồng/lượng chỉ sau chưa đầy 10 ngày chứng tỏ cơn "điên loạn" chưa có điểm dừng của giá vàng.
"Nếu các cơ quan quản lý không sớm vào cuộc và có động thái can thiệp để kiềm chế đà tăng, ổn định thị trường thì giá vàng sẽ còn điên loạn. Theo phân tích của chuyên gia, trong lúc đang chờ sửa Nghị định 24, cơ quan quản lý vẫn cần có động thái ổn định giá vàng đang rất nóng hiện nay", chuyên gia nói.
Giá vàng tăng phi mã nhiều ngày nay. (Ảnh: Minh Đức).
Theo ông, đồng ý là giá vàng phải theo thị trường nhưng cũng không có nghĩa là buông mà phải dùng công cụ thuế để điều tiết. Ví dụ mua vàng miếng là để đầu cơ, không ai mua vàng miếng để đeo cả, nên hoạt động này phải đánh thuế.
Ngoài ra, việc cho phép giao dịch vàng tài khoản cũng có thể là giải pháp cần tính đến. Bởi điều này sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất và giúp giảm sự luân chuyển dòng ngoại hối, qua đó giảm sức ép lên tỷ giá. Nhưng quan trọng là phải có cơ chế quản lý vận hành phù hợp.
"Giá vàng tăng dữ dội những ngày qua cho thấy sự bất thường, nhất là chênh lệch giá vàng Việt Nam với thế giới đang rất lớn, khiến người mua vàng sẽ rủi ro", vị này cho hay.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng nhận định, khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và chênh lệch cao so với giá thế giới.
Thủ tướng đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Góp ý cho sửa đổi Nghị định 24, các chuyên gia đã đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Bình luận về việc này, ông Khánh cho rằng: Nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. "VGTA từng có đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung", ông Khánh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cũng cho rằng, NHNN phải sửa gấp Nghị định 24 cho phép nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng như hiện nay.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, để không mất lượng ngoại hối, cơ quan quản lý có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước. Điều này sẽ giúp hạn chế việc nhập khẩu vàng mà vẫn đáp ứng được nguồn cung.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải mở cửa, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh để có nguồn cung lớn, rộng rãi, cạnh tranh.
"Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho thị trường mua - bán, không có chuyện tăng giá phi lý như thời gian qua", ông Cường nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24 cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết.
Đối với quy định về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng cũng cần được rà soát và đánh giá lại. Cụ thể, với doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, NHNN quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.
"Thị trường vàng sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá vàng tăng cao như thời gian qua", ông Lực nói.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Tôi cho rằng, có thể giá vàng sẽ hạ, thị trường vàng sẽ ổn định hơn. Nhưng giá có hạ nhiều hay không còn phụ thuộc vào việc nghị định sửa đổi những gì. Tuy nhiên, đó chỉ là dự đoán, giá vàng vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường vàng thế giới.
Cùng với đó, nếu cả hai vấn đề là thương hiệu quốc gia của vàng SJC và đơn vị nhập khẩu vàng đều có sự thay đổi ở nghị định, sẽ tạo sự ổn định hơn cho thị trường vàng. Còn nếu chỉ một trong hai yếu tố đó thay đổi, thị trường chưa chịu nhiều tác động. Từ nay đến lúc Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng còn biến động”.
Người dân xếp hàng mua bán vàng cuối ngày 9/4 ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Đức)
Sau khi tăng dữ dội vào hôm qua, giá vàng nhẫn hôm nay 10/4 tiếp tục đi lên và lập đỉnh mới 78,5 triệu đồng/lượng, đây là mức giá đắt nhất lịch sử. Trong khi đó, giá vàng miếng giảm xuống 84,4 triệu đồng/lượng.
Trong vòng 9 ngày đầu tháng 4, giá vàng nhẫn tăng khoảng 8 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC tăng 4 triệu đồng.
Theo khảo sát của VTC News, rất đông người dân ở Hà Nội đổ xô đi mua vàng. Nhiều cửa hàng đã phải giới hạn khách chỉ được mua không quá 5 chỉ. Cũng đã có hiện tượng người dân mua bán trao tay ngay ngoài cửa tiệm.
Một vị khách nói: "Hiện tại quá đông người xếp hàng, trong khi cửa hàng lại hạn chế số vàng được mua. Vì thế chúng tôi tự xem giá, rồi mang ra ngoài giao dịch, thuận mua thì vừa bán".