Khép phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020, toàn bộ các sàn và các rổ chứng khoán chính đã khởi động với sắc xanh tích cực. Trong đó VN-Index tăng gần 6 điểm lên 966,67 điểm, HNX-Index tăng 0,48 điểm lên 102,99, UpCoM tăng 0,09 lên mức điểm 56,65.
Xuôi theo diễn biến tích cực của thị trường, mã VCP của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power) vọt tăng 6,2% từ 54.6000 đồng lên 58.000 đồng một cổ phiếu. Với gần 60 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường Vinaconex Power tăng thêm 193 tỷ đồng.
Vinaconex sẽ thu về hơn 920 tỷ đồng nếu thương vụ chuyển nhượng gần 16 triệu cổ phiếu VCP thành công.
Mã VCP tăng trưởng trong bối cảnh Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) vừa thông qua việc thoái toàn bộ phần vốn tại đây. Theo đó, Vinaconex muốn chuyển nhượng gần 16 triệu cổ phiếu VCP, tương ứng hơn 28% tổng số lượng cổ phần của Vinaconex Power.
Với mức giá 58.000 đồng/cổ phiếu như thiện tại, nếu thương vụ chuyển nhượng thành công, Vinaconex sẽ thu về hơn 920 tỷ đồng.
Vinaconex Power thành lập năm 2010, chuyên đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, sản xuất và kinh doanh điện. Cổ phiếu VCP giao dịch trên sàn UPCoM từ 12/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17.000 đồng/cổ phiếu.
Từ khi lên sàn đến nay, cổ phiếu VCP vẫn đang trong đà tăng dài hạn, hiện tăng hơn 220% kể từ khi lên UPCoM. Trong 2019, cổ phiếu Vinaconex Power cũng tăng 73,8%, từ 31.400 đồng/cổ phiếu lên 54.600 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể.
Trở lại diễn biến thị trường, ngày giao dịch đầu năm, khối lượng giao dịch nhiều nhất thuộc về mã ROS, DLG, FLC, CTG và HBC. Trong khi đó, các mã TCD, NKG, LEC, PIY và VAF thuộc nhóm tăng giá nhiều nhất khi tăng khoảng 7%.
Ngược hướng thị trường, các mã NAV, LM8, SSC, RDP và ROS lại giảm giá mạnh.
Nhóm ngân hàng có các mã tăng đáng kể như SHB tăng 200 đồng/cổ phiếu (+3,08%), VPB nhích 550 đồng/cổ phiếu (+2,75%), CTG thêm 600 đồng/cổ phiếu (2,87%), BID tăng 750 đồng/cổ phiếu (+1,63%)...
Mã NVB, EIB ngược dòng chảy của nhóm ngân hàng khi giảm lần lượt 200 đồng, 100 đồng mỗi cổ phiếu.