Trong báo cáo, ECDC cho biết bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu với các triệu chứng như mỏi mệt, đau đầu, sốt cao, nổi hạch, phát ban, nổi mụn và sau cùng đóng vảy.
Bệnh đậu mùa khỉ có mức độ nguy hiểm thấp hơn so với bệnh đậu mùa đã bị xoá xổ ở châu Âu từ những năm 1980. Bệnh chủ yếu lây lan khi da bị tổn thương, tiếp xúc với màng nhầy hoặc vết thương bị nhiễm trùng, hoặc thậm chí từ các giọt bắn lớn truyền qua mặt tiếp xúc trong một thời gian dài. Thời gian ủ bệnh có thể từ kéo dài từ 5 đến 21 ngày.
Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể sau 5-21 ngày nhiễm bệnh. (Ảnh: CDC)
Virus bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở châu Âu là biến thể ít có khả năng gây chết người nhất và chưa có bằng chứng về các đột biến ở giai đoạn này. Dù hầu hết các trường hợp là nhẹ, người bệnh vẫn có nguy cơ bị bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh đậu mùa khỉ có thể diễn biến nặng ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch.
ECDC khuyến cáo nên cách ly tất cả các trường hợp lây nhiễm cho đến khi các tổn thương do bệnh gây ra hoàn toàn lành lặn.
Phát biểu trước báo giới, Giám đốc ECDC, bà Andrea Ammon cảnh báo: “Đối với người dân nói chung, mức độ rủi ro bị lây nhiễm là rất thấp. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan virus bệnh đậu mùa khỉ tăng cao ở những người có nhiều mối quan hệ thân mật hay nhiều bạn tình”.
Bà Andrea Ammon cũng cảnh báo về khả năng lây truyền từ người sang động vật bởi nếu điều này xảy ra, virus sẽ lây lan trong quần thể động vật và có nguy cơ đưa bệnh đậu mùa khỉ trở thành dịch bệnh đặc hữu ở châu Âu.
Kể từ ca đầu tiên bất ngờ được phát hiện tại Anh ngày 7/5, bệnh đậu mùa khỉ hiện đã lây lan ra hơn 10 nước châu Âu với khoảng 100 trường hợp, nhiều nhất là tại Anh (57), Bồ Đào Nha (37) và Tây Ban Nha (34).
Tại Pháp, ca bệnh đầu tiên đã được ghi nhận ngày 20/5 tại vùng thủ đô Ile-de-France, là một người đàn ông chưa từng du lịch tới châu Phi. Các cơ quan chức năng của Pháp đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh trên.