Chị Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy nhớ như in ngày Nguyễn Mai H chán nản, đến gõ cửa Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds, cách đây hai năm khi cô gái này mới 22 tuổi. H sợ hãi, ngồi co mình trên ghế, cổ tay chi chít những vết sẹo, một miếng băng che đi vết rạch mới, gương mặt xanh xao. "H chán nản, cô vừa tự tử bằng cách rạch tay và uống thuốc an thần”, chị Nhiên nói.
Khi còn nhỏ, cô từng bị lạm dụng tình dục nhiều lần bởi một người quen của gia đình. Người này dọa giết H nếu như cô nói ra điều này. H sợ hãi không dám kể hay nói chuyện này cho bất kỳ ai. Là người quen nên người đàn ông này thường xuyên tới nhà H mà không bị nghi ngờ. Mỗi lần như vậy cô luôn trong tâm trạng sợ hãi, bất lực.
Điều khiến cô H đau đớn hơn là khi bản thân không nhận được sự ngăn cản, động viên của gia đình ngay cả khi họ biết chuyện. Gia đình còn bắt cô giấu kín chuyện này để tránh điều tiếng với xóm làng.
Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy trò chuyện với nạn nhân bị xâm hại. (Ảnh minh họa)
H quyết tâm thi đỗ đại học để thoát khỏi nơi đầy rẫy những ký ức đau buồn. Học xong, H không về nhà mà quyết định xin làm việc tại công ty ở Hà Nội. Dù vậy lúc nào cô cũng sống trong sợ hãi, không dám xuất hiện trước đám ông hay tiếp xúc với đàn ông. Nhiều lần H tự rạch tay chỉ để tìm cảm giác được giải tỏa. Trên cổ tay cô chi chít các vết sẹo. Lần gần nhất, khi quá tuyệt vọng H tự rạch tay và uống thuốc ngủ để tự tử. May mắn được một người bạn đến chơi phát hiện ra và đưa đi cấp cứu.
Chuyên gia Lập trình ngôn ngữ tư duy Hoàng Thị Thu Nhiên cho biết, H bị trầm cảm do thời gian dài chịu đựng lạm dụng tình dục, cùng với việc không được gia đình thấu hiểu.
“Tôi dành 4 buổi để ngồi lắng nghe câu chuyện của em và thực hiện các phương pháp trị liệu để giúp em thoát ra khỏi bóng ma tâm lý ám ảnh”, chị Nhiên nói. Nếu H không thoát ra được những ám ảnh ngày bé, cô sẽ mãi sống trong sợ hãi, luôn tìm cách tự hại bản thân mình.
Nữ chuyên gia này nói, một người bị trầm cảm, nhất là có tác động bị bị xâm hại tình dục như H rất cần một người hiểu và đồng cảm với họ. Cô gái trẻ sau đó có thể quay trở lại làm việc bình thường.
Theo chuyên gia, những câu chuyện như của H không phải là hiếm gặp trong cuộc sống. Từng có rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra vì ám ảnh từ việc lạm dụng tình dục từ nhỏ.
Liên quan vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho hay, trẻ bị xâm hại tình dục dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập được với xã hội. Thậm chí, nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý, tự làm hại bản thân. Nhiều trẻ sau khi bị làm dụng lớn lên sợ bị hỏi về quá khứ, mất niềm tin vào tương lai ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này.
Tại Việt Nam, số lượng nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên rất cao, đặc biệt là tỷ lệ thanh thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường. (Ảnh minh hoạ)
ThS.BS Phan Chí Thành, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, hiện tại Việt Nam, số lượng nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên rất cao, đặc biệt là tỷ lệ thanh thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường. Trẻ em bị lạm dụng tình dục không dùng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục dẫn đến việc lây nhiễm một số căn bệnh nguy hiểm như HIV, giang mai, lậu...
“Nếu lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên dẫn đến mang thai, sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, biến chứng sản khoa nhiều hơn người trưởng thành. Do bé gái đang tuổi vị thành niên, khung sàn chậu chưa hoàn thiện nên khi sinh nở, các em dễ đối diện với nguy hiểm. Phần lớn những trường hợp này phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật", bác sĩ Thành nói.