Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có Chủ tịch UBND cấp tỉnh 18 tháng không tiếp dân ngày nào

(VTC News) -

Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày, thậm chí có người không tiếp dân ngày nào.

Chiều 11/10, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị “Góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021”. 

Báo cáo một số kết quả giám sát, ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, các Chủ tịch UBND cấp tỉnh cơ bản đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định.

Tuy nhiên hầu hết không bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp Công dân, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định.

Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày thậm chí có người không tiếp dân ngày nào. Cụ thể, số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc là 471 ngày, trung bình là 8 ngày, đạt 42% yêu cầu theo quy định (theo quy định 18 ngày/18 tháng).

Nhiều địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tiếp dân thay. Cụ thể, số ngày Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch tiếp dân là 272 ngày, chiếm 23%; số ngày ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tiếp dân là 208 ngày, chiếm 18%.

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, một số địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng các Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại, phản ánh liên quan đến chế độ chính sách; trình báo, phản ánh tình hình an ninh trật tự; đề nghị thực hiện các quyết định đã có hiệu lực…

Qua giám sát cũng cho thấy, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đất đai còn hạn chế, nhất là trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính, thông tin, giải thích, trả lời các nội dung đề nghị của công dân chưa tốt, gây bức xúc cho các hộ dân làm phát sinh đơn khiếu nại.

Một số tồn tại về đất đai chưa được xử lý dứt điểm, một số đơn vị cấp huyện vẫn còn trường hợp một số hộ dân có quyết định giao đất hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất, có trường hợp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng chưa được giao đất.

Còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về công khai, minh bạch, đặc biệt là trong các lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai, tài chính ngân sách, huy động các khoản đóng góp của nhân dân, thực hiện chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho người nghèo … dẫn đến phát sinh khiếu kiện.

Từ kết quả giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo Thường trực các tỉnh, thành ủy tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Tiếp công dân cho phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp theo hướng mở là lãnh đạo UBND các cấp nhằm đảm bảo tính khả thi. Đồng thời ban hành quy định biện pháp chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo; giải quyết khiếu nại tố cáo chậm trễ (quá thời hạn) để xảy ra vụ việc bức xúc, đông người, kéo dài. 

Xuân Trường

Tin mới