Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có cần trung tâm điều phối hỗ trợ khắc phục thiên tai miền Trung?

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội và quan chức các tỉnh nêu ý kiến trước đề xuất cần có trung tâm điều phối hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ người dân trong thiên tai.

Hoạt động cứu trợ nhân dân mùa thiên tai năm nay đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc phân bổ nguồn lực. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đang có tình trạng phân bổ nguồn hỗ trợ không đồng đều giữa các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt, nhiều nhóm thiện nguyện hiện chưa có thông tin để tổ chức từ thiện cho phù hợp.

Theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tình hình ứ đọng hàng cứu trợ cho các tỉnh miền Trung xảy ra do vấn đề phương tiện và phương pháp tổ chức tiếp cận không khoa học.

Mở cổng thông tin hỗ trợ thiện nguyện

Trong tình cảnh hiện nay, các cá nhân, tổ chức cũng đứng ra thực hiện các chương trình thiện nguyện tự phát. Đây có thể là nguồn lực đáng kể có thể tận dụng cho công tác cứu trợ, tuy nhiên cần có sự phối hợp giữa chính quyền và các cá nhân, tổ chức để có sự phân bổ hợp lý.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, một trong những giải pháp nên được cân nhắc là mở cổng thông tin về cứu hộ, thiện nguyện.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)

"Các tập thể, cá nhân có thể đăng ký trên cổng thông tin nơi họ đến cứu trợ. Địa phương phải có trang tiếp nhận cứu trợ, để cung cấp và đăng ký thông tin.

Ví dụ trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên, họ có thể đăng ký thời điểm đến cứu trợ để được chính quyền hướng dẫn nên đến địa chỉ nào, đối tượng nào để biết cách phân bổ nguồn lực cứu trợ xã hội. Chính quyền địa phương cũng cần hướng dẫn đường đi ra sao, thậm chí có thể bố trí lực lượng yểm trợ", đại biểu Lê Thanh Vân đưa ra phương án.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng nếu có cổng thông tin hỗ trợ thiện nguyện thì công tác từ thiện sẽ tốt hơn. 

"Điều đó xã hội chắc chắn hoan nghênh mà không ai thắc mắc nữa. Cớ sao cứ phải bắt người ta thông qua cơ quan tổ chức nhất định? Thông qua mạng xã hội, tôi biết có địa phương còn cản trở các đoàn thiện nguyện. Như thế là không nên", vị đại biểu tỉnh Cà Mau nêu ý kiến.

Theo ông Lê Thanh Vân, cách làm nêu trên sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đối với các hoạt động thiện nguyện tự phát. Việc tăng cường kết nối, phối hợp giữa các đoàn thiện nguyện và chính quyền địa phương trong hoạt động cứu trợ vừa tận dụng được nguồn lực xã hội, vừa thuận lợi cho Nhà nước thể hiện vai trò quản lý và phân bổ.

"Việc này có thể thể hiện vai trò Nhà nước định hướng, hướng dẫn nguồn lực xã hội thông qua những người làm công tác từ thiện đi đúng luồng, đúng đối tượng, phân bổ đúng địa chỉ và bảo đảm chính danh cho người thiện nguyện, cứu trợ, thông qua những hướng dẫn để đạt mục tiêu đặt ra.

Đó cũng là kênh kiểm soát gian lận trá hình đối với những người núp danh thiện nguyện để lừa đảo. như thế xã hội sẽ không có phản ứng tiêu cực", đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Ông Vân nhấn mạnh rằng đây là những hoạt động rất đáng hoan nghênh nhưng cần có sự phối hợp, chung tay giữa các cá nhân, tổ chức với chính quyền địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.

"Công tác từ thiện hiện nay xuất phát từ lòng tốt, từ truyền thống yêu nước thương nòi, lá lành đùm lá rách bên cạnh mặt được cũng có những mặt chưa được. Mặt được là đáp ứng ngay nhu cầu thiết yếu nhất của người gặp nạn trong bão lũ thiên tai khi họ đang cần giúp đỡ về thức ăn đồ uống, thiệt hại tài sản thì được hỗ trợ bằng tiền để mua. Đó là sự hỗ trợ để phục hồi sức khỏe, tái lập cơ sở vật chất kịp thời.

Nhưng việc phân bố nguồn lực đó không đều vì có những trường hợp các đoàn cứu trợ chỉ tập trung vào một địa điểm vì họ thiếu thông tin, trong khi đó những nơi khó khăn vùng xâu vùng xa nguy kịch chính quyền chưa đến kịp mà đoàn cứu trợ không biết mà đến", ông Lê Thanh Vân chia sẻ.

Số điện thoại và tình trạng người gặp nạn đang kêu cứu được cập nhật cụ thể trên hệ thống. 

Cũng có cùng ý tưởng này, nhóm thanh niên trong cộng đồng khởi nghiệp trẻ lĩnh vực công nghệ thông tin, đã kết hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ các tỉnh để làm cổng thông tin "Cứu trợ miền Trung".

Cổng thông tin có địa chỉ https://cuuhomientrung.info đã kêu gọi và kết nối được hơn 2.000 tình nguyện viên, giúp thu thập và tổng hợp dữ liệu cần cứu hộ, cứu nạn tại vùng tâm bão lũ miền Trung.

Hệ thống hiện cũng đã kết nối và nhận được sự tin tưởng trong việc cung cấp thông tin cứu hộ cho Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống lụt bão của Quân khu IV tại Thừa Thiên - Huế, các chính quyền địa phương, Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

Mục tiêu cấp thiết của dự án là phổ cập nền tảng này tới các cư dân và các đội cứu hộ tại vùng đang chịu ảnh hưởng từ lũ. Càng nhiều thông tin chính xác được cập nhật, nguồn lực càng được phân bổ hợp lý và nhanh chóng, tránh tình trạng quá tải tại hiện trường.

Các đội cứu hộ có thể trực tiếp tra cứu thông tin người cần cứu hộ được chia theo khu vực. Cư dân cũng chủ động tra cứu thông tin đội cứu hộ gần nhất. Các điều phối viên sẽ thu thập những thông tin còn thiếu và là cầu nối để cập nhật thông tin.

Hệ thống sẽ có các tình nguyện viên trực tổng đài 24/7 qua đầu số hotline: 18006132, các cuộc gọi hoàn toàn miễn phí sẽ kết nối bà con vùng lũ với các đơn vị cứu hộ, cứu nạn.

Khi gọi tới tổng đài, người gặp nạn sẽ cung cấp thông tin, số điện thoại và tình trạng gia đình cho tình nguyện viện trực tổng đài. Qua đó, các tình nguyện viên trực tổng đài sẽ nhập dữ liệu lên hệ thống. 

Hỗ trợ bao nhiêu cũng thiếu

Nêu thực tế tại địa phương, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, Quảng Trị là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ lịch sử vừa qua và cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, đoàn từ thiện trên khắp cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dự đoán trước được số lượng đoàn từ thiện đến tỉnh làm từ thiện, ủng hộ nhân dân vùng lũ sẽ rất đông nên lãnh đạo tỉnh cũng sớm lên phương án và thanh lập các các tổ, ban đón tiếp các đoàn từ thiện từ cấp xã đến cấp tỉnh.

Nhiều cán bộ cũng được tăng tường để sẵn sàng hướng dẫn, phối hợp với các đoàn từ thiện để trao quà đến người dân một cách nhanh, hiệu quả và đúng đối tượng.

Những ngày nay có rất nhiều đoàn từ thiện đến Quảng Trị và họ phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương.

"Có đoàn liên hệ với chính quyền cấp xã và có đoàn lại liên hệ với chính quyền cấp huyện hoặc tỉnh. Tất cả những đoàn đó đều được các cán bộ địa phương hướng dẫn, san sẻ, tư vấn một cách nhiệt tình và chu đáo. Do đó, các nguồn hàng từ các đoàn từ thiện đều được phân bố một cách đều đặn đến người dân và không để xảy ra tình trạng chỗ thừa mứa mà chỗ lại không có", ông Đồng chia sẻ.

“Chúng tôi hướng dẫn cho các địa phương, khi đoàn đến tài trợ thì phải cân nhắc, thôn nào có rồi thì thôi…. Nếu có một đoàn đến rồi nhưng quà vẫn đang còn ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thôn đó thì mới đưa các đoàn thứ 2, đoàn thứ 3 đến.

Đối với các vùng đang bị chia cắt, chưa đến được thì sẽ cử Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp tiếp nhận và sẽ cử những đội sẵn sàng băng rừng lội suối hoặc nhiều cách khác nhau làm sao mang quà đến với người dân được sớm nhất.

Đối với các vùng dễ đi thì ở các xã, các huyện đều có lực lượng sẵn sàng dẫn đường cho các đoàn từ thiện đến với những người dân còn đang khó khăn. Nói chung Quảng Trị chuẩn bị sẵn các phương án tiếp đón, hướng dẫn các đoàn từ thiện một cách chu đáo, hiệu quả nên các đoàn không cần phải lo lắng, băn khoan.

Về tổng thể, tính đến thời điểm này thì các đoàn từ thiện đến tỉnh thì họ đều có ý thức tốt và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói.

Ông Hà Sỹ Đồng khuyên các đoàn từ thiện đến ủng hộ nhân dân vùng lũ thì nên phối hợp với chính quyền địa phương để quà của các đoàn đến với người dân một cách đồng đều, tránh tình trạng chỗ có, chỗ không.

Các tổ chức đưa hàng cứu trợ giúp đỡ đồng bào miền Trung trong lũ dữ.

Trước đề xuất thành lập trung tâm cứu hộ miền Trung, ông Đồng cho rằng: "Hiện các tỉnh miền Trung đã và đang thực hiện rất tốt việc này. Vì thế không cần thiết phải thành lập trung tâm cứu trợ từ thiện toàn miền Trung. Đã có quá nhiều tổ chức đoàn thể có thể phối hợp cùng làm. Vậy nên hãy để quyền chủ động cho từng xã, huyện, cao lắm thì đến tỉnh. Chỉ có những người gần dân, sát dân, sống với dân, sống tại địa bàn thì mới hiểu rõ nắm rõ làm tốt".

Trong khi đó, ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cho rằng ý tưởng thành lập trung tâm điều phối hỗ trợ miền Trung là ý tưởng hay nhưng trong điều kiện hiện nay chưa cần thiết. Ngoài ra, hàng cứu trợ đến với các tỉnh đều được điều phối xuống đến các địa phương đầy đủ.

"Lập trung tâm điều phối hàng cứu trợ cho khu vực miền Trung là một ý tưởng hay. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì khó thực hiện vì nhiều lý do. Hàng cứu trợ của các tổ chức cá nhân họ muốn đưa về địa phương nào địa phương đó phải tiếp nhận và điều phối theo tâm nguyện của đoàn từ thiện. Ngoài ra, Hà Tĩnh đến thời điểm này nhận được bao nhiêu hàng cứu trợ đều được phân bổ về các địa phương đầy đủ, không thể thừa được, người dân trong vùng ảnh hưởng lũ lụt họ đang rất cần từ thùng mì tôm đến thực phẩm tiền bạc để mua sắm ổn định cuộc sống... ", ông Hùng chia sẻ.

Từ thực tế ở Hà Tĩnh, ông Hùng cho rằng các tỉnh khác của khu vực miền Trung đều còn rất khó khăn.

"Các địa phương khác cũng vậy thôi. Hiện tại, các tỉnh cũng lập các điểm và địa chỉ phân bổ, hướng dẫn các tổ chức cá nhân tiếp tế hàng cứu trợ đến đúng địa chỉ, phân bổ hợp lý để những người dân bị ảnh hưởng đều được nhận hàng cứu trợ hợp lý", ông Hùng cho biết thêm.

Cũng vấn đề trên, ông Mai Lê Thuộc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh cho hay: "Việc thành lập Trung tâm điều phối hàng cứu trợ ở Khu vực Miền Trung là rất khó và chồng chéo. Vì nếu thành lập trung tâm này thì cũng phải thông qua chính quyền địa phương. Trong khi đó các địa phương đều có kênh điều phối từ cấp tỉnh đến huyện xã đều có đầu mối số điện thoại đầy đủ để tiếp nhận và hướng dẫn các tổ chức cá nhân đến hỗ trợ các địa phương. Từ đó phân bổ về các điểm, các địa phương người dân đang cần gì cho hợp lý.

Còn lập website về tình hình cứu hộ cứu nạn miền Trung là rất cần thiết để các tổ chức cá nhân khi đi cứu trợ có thể tham khảo tại các địa phương bị ảnh hưởng đang cần gì và có phương án hỗ trợ theo các giai đoạn cho hợp lý..."

Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, Báo điện tử VTC News kêu gọi quý độc giả, quý doanh nghiệp và người dân cả nước cùng hỗ trợ, sẻ chia, chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ.

Mọi sự ủng hộ của độc giả cho miền Trung xin gửi về:

Báo điện tử VTC News, số tài khoản: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.

Tòa soạn Báo điện tử VTC News, tầng 12A, Tòa nhà VTC Online, 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

VPĐD phía Nam: Lầu 10, tòa nhà VOV, số 7, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Hoặc: Hệ thống nội dung số VOV Live,Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến tận tay những gia đình bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất!

Quý độc giả hãy chung tay cùng VTC News sẻ chia với miền Trung ruột thịt

Nhóm PV

Tin mới