Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

‘Chuyến tàu tử thần’ chở người chết giữa lòng London

(VTC News) -

Vào thế kỷ 18 - 19, thủ đô London của Anh quốc từng có một “chuyến tàu tử thần” chuyên chở thi hài người chết.

Giữa những năm 1800, London đứng trước nguy cơ bùng nổ dân số. Số dân của thành phố tăng gấp đôi trong nửa đầu thế kỷ 19, song song với đó là số người người chết cũng gia tăng, các nghĩa trang thành phố rơi vào tình trạng quá tải.

London bấy giờ có hai nghĩa trang: Brookwood phục vụ cho người không có điều kiện và Magnificent Seven dành cho tầng lớp thượng lưu.

Magnificent Seven là nghĩa trang do tư nhân điều hành ở vùng ngoại ô của London. Khuôn viên nghĩa trang được quy hoạch tương tự công viên, có vườn tược rộng rãi và cây cối được cắt tỉa cẩn thận, chi phí chôn cất ở đây vô cùng tốn kém.

Nghĩa trang Brookwood phục vụ cho người không có điều kiện. (Ảnh: Getty Images)

Đem đường sắt ứng dụng vào dịch vụ tang lễ

Chứng kiến quá trình công nghiệp hóa dẫn đến bùng nổ cả người sống và kẻ chết ở London, hai doanh nhân Richard Broun và Richard Sprye quyết định tận dụng đường sắt và vùng đất rộng rãi ở ngoại ô London để khắc phục vấn đề quá tải nghĩa trang. Họ tin rằng hình thức nghĩa trang mới này có thể giúp những hộ gia đình không có điều kiện đặt chỗ tại Magnificent Seven.

Broun và Sprye tuyên bố họ dự định xây dựng một nghĩa trang ở vùng ngoại ô lớn đến mức “có thể chứa hài cốt của toàn bộ người dân London”. Thi hài người chết cùng những người đưa tang sẽ xuất phát từ London đến nghĩa trang bằng một tuyến đường sắt tốc độ cao, với giá cả phải chăng.

Đảm nhiệm đầu tư cho dự án là hai công ty London Necropolis và National Mausoleum, thành lập vào năm 1852. Tuy nhiên, tranh chấp nội bộ khiến Broun và Sprye phải rời dự án.

Richard Broun và Richard Sprye quyết định tận dụng đường sắt và vùng đất rộng rãi ở ngoại ô London để khắc phục vấn đề quá tải nghĩa trang. (Ảnh: Disused Stations)

Nghĩa trang dành cho quần chúng

Năm 1854, Công ty London Necropolis mở nghĩa trang Brookwood, nghĩa trang lớn nhất thế giới thời điểm đó. Nghĩa trang mới rộng gần 2 triệu m2, cách London 23 dặm về phía Tây Nam.

Để cạnh tranh với Magnificent Seven, Brookwood được quảng cáo là có phong cảnh đẹp và nghiêm trang, với làn đường lát bằng gỗ đỏ của Mỹ. Đặc biệt, điểm khác biệt giữa Brookwood với các khu nghĩa trang lớn ở London là chi phí rẻ. Chuyến tàu từ London đến Brookwood rẻ hơn xe ngựa, đất chôn có giá thấp hơn các khu đô thị. Vì vậy, nơi này được quần chúng lao động ở London rất hoan nghênh.

“Chuyến tàu tử thần” đầy tiện nghi

Quá trình tiễn đưa người chết đến Brookwood khá đơn giản. Quan tài chứa thi thể được chuyển đến tại kho chứa chung bên tại ga Waterloo, London. Từ đây, những người tham dự tang lễ lên tàu cùng quan tài. Khách tham dự ngồi tại khoang hành khách trong khi quan tài được đặt vào khoang chuyên dụng. Mỗi sáng, chuyến tàu tang lễ sẽ khởi hành từ Waterloo đến nghĩa trang Brookwood và quay trở lại nhà ga ở London vào buổi chiều.

Điểm dừng của chuyến tàu ở nghĩa trang Brookwood phụ thuộc vào tôn giáo của người quá cố. Nghĩa trang có hai ga: một ga dành cho các thành viên của Giáo hội Anh và ga còn lại dành cho người có đức tin khác. Nhà ga của nghĩa trang có đủ phòng chờ, khu vực tiếp tân tang lễ, khu sinh hoạt cho nhân viên nghĩa trang và cả phòng trưng bày.

Phương châm của Công ty London Necropolis, công ty chủ quản nghĩa trang là: "Một cái chết êm đềm, một cuộc sống tốt đẹp".

Nhà ga nghĩa trang có cả quán rượu, quán trà để khách dừng chân nghỉ ngơi. Thậm chí ở đây có cả quán bar, đây là điểm ghé thăm ưu thích của người dân địa phương.

Quá trình tiễn đưa người chết đến Brookwood khá đơn giản. (Ảnh: Disused Stations)

Sự suy tàn của "chuyến tàu tử thần"

Sau một thời gian hoạt động, mối quan hệ đối tác nghĩa trang - đường sắt xảy ra rạn nứt. Theo ước tính ban đầu, Broun và Sprye dự định tiếp nhận 50.000 thi thể mỗi năm, nhưng trong 20 năm đầu hoạt động, nghĩa trang Brookwood chỉ nhận trung bình khoảng 3.200 quan tài.

Và sau 100 năm hoạt động, nghĩa trang chỉ có 216.390 "cư dân" thường trú. Con số này quá nhỏ so với mục tiêu 5 triệu phần mộ của những người sáng lập.

Trong suốt nửa sau của thế kỷ 19, quốc hội Anh thông qua một loạt luật về việc tái thiết các nghĩa trang trong thành phố và yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp đất chôn cất cho người dân như một dịch vụ công cộng. Vào những năm 1900, dịch vụ hỏa táng trở nên ngày càng phổ biến.

Tới lúc này, Brookwood vẫn hoạt động và giữ vị trí nghĩa trang lớn nhất ở Vương quốc Anh. Nhưng tình thế của công ty chủ quản nghĩa trang trở nên khó khăn sau vụ đánh bom ở ga Waterloo vào năm 1941, dẫn đến việc liên doanh Necropolis phải đóng cửa vĩnh viễn. Công ty này phải bán bớt những mảnh đất chưa sử dụng ở Brookwood và dỡ bỏ đường ray xe lửa. Dù vậy, quán rượu của nhà ga nghĩa trang vẫn tồn tại trong nhiều năm sau đó.

Công ty Necropolis phải bán bớt những mảnh đất chưa sử dụng ở Brookwood và dỡ bỏ đường ray xe lửa. (Ảnh: Historian of Brookwood Cemetery)

Sau một thời gian gần như bị bỏ hoang vào những năm 1970, nghĩa trang Brookwood đã phục hồi và trở lại hoạt động, dù vậy, “chuyến tàu tử thần” không còn. Ngày nay, một đoạn nhỏ của đường ray xe lửa từng được dùng để trở người chết vẫn được lưu giữ như một di tích lịch sử của nước Anh.

Trần Trang

Tin mới