Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Muốn xăng dầu không giảm nhỏ giọt, phải giảm thuế

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng việc giảm thuế là "cửa hẹp" duy nhất để giảm mạnh giá xăng dầu, nhất là khi dầu thế giới chưa có dấu hiệu chững lại và Quỹ BOG đang âm.

Từ 1/7, giá xăng E5 RON92 giảm 410/lít đồng, RON 95 giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng, sau 7 lần tăng liên tiếp. Tuy giá xăng đã giảm nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức giảm trên không thấm vào đâu so với đà tăng từ đầu năm. Và để “hạ nhiệt” nhanh chóng giá mặt hàng chiến lược này, cách duy nhất hiện nay là giảm thuế.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, Thành viên Hội đồng quản trị và cố vấn chiến lược cho một số công ty tại TP.HCM, cho rằng, muốn nhanh chóng hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, cần khẩn trương giảm thuế. Theo ông Hiển, giá cả các mặt hàng thiết thực với người dân đã leo thang theo giá xăng dầu, làm tiềm ẩn nhiều nỗi lo không chỉ với người dân, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

“Người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm hàng hóa. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong hoạch định chiến lược kinh doanh. Việc giảm thuế để kìm giá xăng dầu là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt”, TS Hiển nói.

Tại nhiều doanh nghiệp vận tải, lượng xe nằm bãi nhiều hơn xe chạy, nếu giá xăng dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay thì doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm, dồn chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Ông Hiển nhận định, cần khoanh lại tổng số ngân sách thu được từ xăng dầu thông qua thuế phí vào thời điểm xăng dầu chưa biến động mạnh, rồi Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế phí sao cho nguồn thu ngân sách không giảm đi, tức không làm mất cân đối ngân sách của đầu 2022 khi thời điểm giá xăng dầu chưa tăng. Và khi Quốc hội quyết định giảm thuế, cần nghiên cứu theo hướng mức giảm tối đa các loại thuế này.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, logictisc…

Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách tài khóa đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Không thể chần chừ giảm thuế

Mới đây, trong nỗ lực ghìm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết và trình Chính phủ trong ngày 30/6/2022 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 7/2022. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn trong khung thuế đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. 

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm 2 loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu.

Theo TS Đinh Thế Hiển việc tính toán giảm thuế với xăng dầu cần thực hiện ngay, không nên chần chừ, bởi việc giảm các loại thuế xăng dầu sẽ giúp kinh tế phục hồi tốt hơn sau đại dịch, ngăn chặn được lạm phát.

Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho biết doanh nghiệp trong ngành vận tải đang rất khó khăn, mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng có giải pháp điều chỉnh thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu. Theo ông Bằng, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí tính toán phương án trợ giá mới mong kìm giữ giá xăng dầu.

“Cái chính là phải nhanh chóng thúc đẩy giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là không phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay”, ông Bằng nói.

Giá xăng tăng phi mã và giảm nhỏ giọt khiến nhiều nhà xe lao đao.

Ông Đỗ Quốc Huy, Phụ trách Kinh doanh Công ty cổ phần Vận tải T.B, cho biết, mức giảm ngày 1/7 không thấm tháp gì sau nhiều lần xăng dầu tăng phi mã. Hầu hết doanh nghiệp vận tải vẫn đau đầu với bài toán kinh doanh và cầm chắc thua lỗ nếu nhà điều hành không có giải pháp căn cơ để “hạ nhiệt” giá mặt hàng chiến lược này.

"Xăng giảm 110 - 410 đồng, dầu diesel giảm 400 đồng/lít, không bõ bèn gì. Doanh nghiệp vận tải vẫn rất khó khăn”, ông Huy nói.

Vẫn theo ông Huy, ngoài giá xăng dầu leo cao, doanh nghiệp của ông còn đối mặt nhiều khó khăn khác. Đơn cử như vấn đề giá cước, nhiều khách hàng nghe thông tin giảm giá xăng đã chất vấn nhà xe vì sao xăng dầu giảm mà giá cước chưa giảm. Thực tế, với giá cước hiện nay, doanh nghiệp phải co kéo hết cách mới đủ hòa vốn, đừng nói đến có lãi.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cũng lo lắng không kém khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao. Ông Bằng thông tin, hiện nay, lượng xe nằm bãi của Minh Thành Phát nhiều hơn xe chạy. Tới đây, nếu giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm, dồn chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Xăng dầu giảm vậy thì biết vậy chứ đau đầu lắm rồi. Tôi nghe nói tới đây giá xăng dầu còn tăng nữa. Tình hình này không biết kinh doanh thế nào”, ông Bằng nói.

Hoà Bình

Tin mới