Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia lo ngại tình trạng ồ ạt nâng trường đại học thành đại học

(VTC News) -

Ủng hộ việc trường đại học lớn định hướng lên đại học, nhưng các chuyên gia lo ngại tình trạng chuyển đổi ồ ạt, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, khi các trường chuyển đổi thành đại học đa lĩnh vực, xã hội mong chờ điểm ưu việt của mô hình này như bộ máy tổ chức gọn nhẹ, ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học, hoặc các chương trình liên ngành ở các trường trực thuộc khác nhau trong cùng một đại học.

Sau Đại học Bách khoa Hà Nội, chắc chắn sẽ có nhiều trường top đầu nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi mô hình thành đại học đa lĩnh vực. Đây là chính sách đúng, rút ngắn khoảng cách giáo dục Việt Nam với thế giới, đồng thời nâng năng lực cạnh tranh.

"Quan trọng chúng ta kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau chuyển đổi như thế nào, tránh trường hợp chạy theo mốt chuyển đổi, háo danh của các trường", vị chuyên gia nói.

Sinh viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM. (Ảnh minh họa)

Đồng tình việc các trường đặt mục tiêu hướng tới đại học đa lĩnh vực là xu hướng tốt, nhưng GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý việc chuyển đổi đa lĩnh vực phải đích thực, tránh như 5 đại học của Việt Nam hiện nay (Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng) hoạt động không đúng là tính chất đa lĩnh vực, không phát huy tác dụng.

Ông thẳng thắn nêu nguyên nhân là do các trường thành viên phản đối sáp nhập, họ sợ mất nhiều “ghế” quản lý và “trường” bị hạ cấp thành khoa. Lãnh đạo các đại học phải thỏa hiệp bằng cách giữ nguyên vị trí các trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lý trước đây. Việc sáp nhập chỉ mang tính cơ học, vẫn mạnh ai người nấy phát triển, sự kết nối giữa các trường thành viên rất lỏng lẻo, hoàn toàn độc lập về đào tạo.

"Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thuật ngữ "đại học - trường đại học" khi dịch sang tiếng Anh bị nhiễu, thế giới bất ngờ về mô hình đại học mẹ - đại học con của Việt Nam", ông nói.

Sinh viên nghiên cứu khoa học. 

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT quan tâm việc chuyển thành đại học sẽ mang lại lợi ích gì cho người học và mối quan hệ cộng sinh giữa các trường thành viên với nhau. Nếu sau chuyển đổi, sinh viên vẫn học theo chương trình cũ, cách thức cũ thì không có nhiều ý nghĩa, chẳng khác nào "bình mới rượu cũ".

Hiện nhiều trường muốn lên thành đại học và cho rằng như vậy là lớn hơn, nhưng cái tên không quyết định việc lớn hay nhỏ. Ông Tùng e rằng khi nhiều đại học ra đời thì chữ "đại học" cũng không còn nhiều ý nghĩa. Do vậy cần quy định siết chặt việc chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học", chỉ đơn vị nào đủ thực lực, chất lượng thực sự mới chuyển, quan trọng là đóng góp giúp người học chuyển biến tốt hơn, hưởng nhiều quyền lợi hơn.

Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá, 5 đại học ở Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng) thực chất chỉ là “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành đơn lẻ, không mang tính thống nhất và dị biệt với quốc tế”.

Điều kiện chuyển đổi từ trường đại học thành đại học

Theo Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học là: Đạt công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học, có ít nhất 3 trường trực thuộc, ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 sinh viên, có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Hà Cường

Tin mới