Giá đỗ cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, folate, kẽm, canxi, kali. Đây là loại rau cực kỳ tốt cho sức khỏe, ăn sống hay nấu chín đều ngon, các món từ giá đỗ đều không tốn nhiều thời gian và công sức. Vấn đề lớn nhất đối với giá đỗ là nguy cơ mua phải sản phẩm kém an toàn.
Ron Finley, một chuyên gia trồng rau tại ban công với 14 năm kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm giá đỗ vừa ngon vừa an toàn tại nhà trên nền tảng Master Class - phần mềm giáo dục hàng đầu nước Mỹ. Biện pháp này đơn giản, nhẹ nhàng, phù hợp hơn với các gia đình hiện đại.
Bạn có thể tự trồng giá đỗ trong lọ thủy tinh hoặc chai nhựa tại nhà. (Ảnh: Maxres)
Tự làm giá đỗ tại nhà là quá trình tương đối đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị hạt đậu xanh, lọ thủy tinh và một miếng vải nhỏ. Hãy mua hạt đậu xanh ở những nơi đảm bảo chất lượng vệ sinh toàn thực phẩm và thực hiện theo các bước sau:
Rửa sạch đậu bằng nước sạch: Cho đậu vào rổ, xát nhẹ và xả dưới vòi nước để loại bỏ bụi hoặc chất bẩn trên bề mặt.
Ngâm hạt đậu: Cho hạt đậu xanh vào một cái bát lớn và đổ thật nhiều nước mát vào (tỷ lệ tốt nhất là một cốc đậu với ba cốc nước). Đậy bát lại, ngâm trong 8-12 tiếng. Bạn chỉ cần chuẩn bị trước khi ngủ và ngâm qua đêm là vừa đủ. Đậu sau khi ngâm nước nở to gấp đôi là đạt.
Vớt đậu ra lọ thủy tinh: Để đậu ráo nước, sau đó cho vào lọ thủy tinh, lượng đậu lên đến 1/3 lọ là phù hợp. Bạn có thể đậy lại bằng một miếng vải thưa, dùng dây chun buộc chặt hoặc sử dụng nắp đậy đặc biệt có đục lỗ. Loại nắp này giúp không khí lưu thông tốt hơn và có thể đổ nước thừa.
Nếu không sẵn lọ thủy tinh, bạn có thể sử dụng chai, rổ hoặc bát và phủ khăn lên.
Đổ nước ngâm đậu mỗi ngày: Hai lần mỗi ngày, bạn đổ đầy nước sạch vào lọ để ngâm đậu trong khoảng 2 phút rồi đổ nước. Đặt lọ nằm nghiêng để giúp nước chảy ra hết. Khi ngâm và đổ nước, hãy xoay lọ để đậu phân bổ đều và thoát nước hoàn toàn.
Đặt lọ ở chỗ tối: Đặt lọ ở nơi tối, hoàn toàn không có ánh sáng, tránh nơi có nhiệt độ cao như tủ, gầm bếp. Tùy thuộc vào loại đậu, tổng thời gian nảy mầm có thể từ 2 đến 5 ngày.
Cách làm giá đỗ rất đơn giản. (Ảnh: Flourish)
Thu hoạch: Khi giá đỗ đạt độ dài vừa phải khoảng 2cm là có thể thu hoạch. Đổ giá đỗ lên giấy ăn hoặc khăn để hút ẩm, nhẹ nhàng thấm khô để nơi thoáng khí trong khoảng một giờ để loại bỏ độ ẩm dư thừa. Sau đó, bạn có thể sơ chế và đem đi chế biến thành món ăn.
Salad: Giá đỗ thường được kết hợp với một số loại rau quả khác để làm salad ăn như salad giá đỗ dưa leo, salad giá đỗ rau mầm, salad gà, salad trộn Hàn Quốc...
Dưa giá: Dưa giá có vị chua nhẹ, được dùng ăn kèm với các món thịt quay, thịt kho, cá kho để chống ngán. Đây cũng là món ngon rất phù hợp dịp Tết Nguyên đán.
Các món súp, canh: Bạn có thể thêm giá đỗ vào súp, món canh như canh giá đỗ cà chua, canh giá đỗ thịt bò, súp yến mạch giá đỗ...
Món xào: Giá đỗ xanh thường được người nội trợ ưu tiên làm các món xào. Cần xào nhanh trong khoảng 2-3 phút, khi giá đổi màu là vừa. Không nên xào lâu và để lửa nhỏ vì sẽ khiến giá đỗ bị mềm, chảy nước, mất độ giòn.