"Đức là quốc gia ít được bảo vệ và tôn trọng hơn vì xung đột Nga - Ukraine khiến Berlin trở thành bên tổn thất nặng nề nhất trong cuộc xung đột này, không tính Kiev", Gabor Steiningart, giám đốc truyền thông người Đức, người đoạt giải Helmut Schmidt và là cựu Tổng biên tập tờ Handelsblatt, nói.
“Đất nước chúng tôi mất đi an ninh, thịnh vượng và danh tiếng do cuộc xung đột quân sự này”, ông Steiningart cho biết thêm.
Xe tăng Leopard của Đức cùng một số thiết giáp bị phá hủy trong một cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Cũng theo ông Steiningart, Đức “đã đánh mất mặt sân Đông Âu” từ Nga, nước từng có khối lượng thương mại trên 80 tỷ euro với Đức trước khi xung đột xảy ra. Bên cạnh đó, việc tăng cường quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cũng “không phải là điềm báo tốt cho ngành xuất khẩu của Đức”.
Ông Steiningart lưu ý thêm vai trò bảo vệ của Mỹ đối với Đức, từng là nền tảng an ninh sau Thế chiến II, "đang ngày càng suy yếu".
Ông nói: “Đức phải làm quen với một cuộc sống luôn diễn ra bên cạnh Nga mà không có sự hỗ trợ của Mỹ”.
Về vấn đề này, ông Steiningart kêu gọi chính quyền Đức xem xét lại chính sách đối ngoại của mình bằng cách đưa yếu tố ngoại giao vào đó.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Berliner Telegraph tháng trước, Đại sứ Nga tại Berlin Sergey Nechayev cho biết, các doanh nghiệp Đức mong muốn khôi phục quan hệ kinh tế với Nga, trong khi nhiều người dân Đức cũng mong muốn bình thường hóa quan hệ song phương.
Ông Nechayev cũng cho rằng Nga "vẫn có nhiều bạn bè" ở Đức, điều này được thể hiện bởi thực tế Nga "chưa từng làm điều gì có hại cho nước Đức".
Nhà ngoại giao Nga lưu ý cả hai quốc gia đều cùng nhau trải qua "một chặng đường lịch sử lâu dài", và việc "cố gắng xóa bỏ ký ức chung đó khỏi tâm trí người dân là không hiệu quả".
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner kêu gọi, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ gánh nặng hỗ trợ Ukraine.
Ông Lindner khẳng định việc Đức hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine không có nghĩa là các cường quốc khác tại châu Âu sẽ đóng góp ít hơn trong vấn đề này.
Hiện EU là bên viện trợ quân sự chính cho Ukraine với số vũ khí và trang thiết bị có trị giá lên tới 25 tỷ euro.
Tháng 11/2023, liên minh cầm quyền tại Đức của Thủ tướng Olaf Scholz đã nhất trí trên nguyên tắc về việc tăng gấp đôi số tiền viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2024, lên 8 tỷ Euro.