Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia dịch tễ: 'Các ổ dịch COVID-19 nguy hiểm nhất đều được khoá chặt'

(VTC News) -

"Tình hình các ổ dịch nguy hiểm nhất như Hải Dương và Vân Đồn (Quảng Ninh) cơ bản được khống chế và 'khóa chặt', không còn khả năng lây lan cho cộng đồng”.

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, người trực tiếp tham gia Đoàn công tác chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương nhận định.

Khoá chặt ổ dịch

Theo ông Dương, các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản được khống chế và “khóa chặt”, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng, như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), hay tại công ty Poyun (Chí Linh, Hải Dương). Ngoài ra các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng được khoanh vùng xử lý triệt để ngay.

“Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. Vì vậy tất cả chúng ta đều phải nhận thức không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất”, ông Dương nói.

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Đánh giá về tình hình dịch hiện nay, ông Dương cho rằng, tính từ đầu mùa dịch lần này đến nay Việt Nam ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh/thành phố, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh Hải Dương. Có thể nói ngay từ khi dịch xuất hiện, các địa phương rất nỗ lực và trách nhiệm với tinh thần cao nhất. Các tỉnh huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng chống dịch và huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia chống dịch với những biện pháp quyết liệt, đúng đắn, nhanh chóng.

Bộ Y tế ngay lập tức huy động lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai với số lượng lên đến hàng nghìn người.

“Với nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cũng như các lực lượng chống dịch tại tất cả các địa phương, có thể nói cho đến hôm nay 6/2 tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt”, ông Dương nhấn mạnh.

Kẻ thù vô hình

Theo PGS.TS Trần Như Dương, đợt dịch lần này nước ta phải đối mặt với “kẻ thù vô hình” nguy hiểm hơn nhiều, đó là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh. Biến chủng này có đặc điểm là lây lan rất nhanh, và mạnh.

Số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao, nên để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới, ngành y tế phải thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm.

“Nếu như trước đây chủ yếu chúng ta làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu 5 thì đến “chiến trường” ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế cho phép làm gộp mẫu từ 10-12 mẫu trong một lần xét nghiệm để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm mẫu rất lớn.

Gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm”, ông Dương nói.

 

Chiến lược gộp mẫu hoàn toàn có cơ sở khoa học vững chắc và rõ ràng. Có rất nhiều nghiên cứu quốc tế cũng như nhiều nước đã áp dụng chiến lược này. Tại Việt Nam với sự thận trọng và khoa học, Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương triển khai nghiên cứu, phát triển quy trình chuẩn từ rất sớm của việc gộp mẫu.

“Kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định việc gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm là hoàn toàn khả thi, chính xác, tin cậy với độ nhạy và độ đặc hiệu cao tương đương như khi ta làm mẫu đơn. Chính nhờ có những căn cứ khoa học rõ ràng như vậy mà Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện trong toàn quốc”, ông Dương khẳng định.

Sáng 6/2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước ta hiện là 1.976. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi 1.465/1.976 bệnh nhân.

Trong các bệnh nhân đang còn điều trị có 10 người âm tính lần 1, 3 người âm tính lần 2 và 2 trường hợp âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) ở nước ta là 80.113. Trong đó, 489 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 24.362 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 55.262 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Số ca tử vong đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị. 

Phạm Quý

Tin mới