Việc nam diễn viên Alec Baldwin gây ra tai nạn thương tâm trong quá trình thực hiện một bộ phim ở miền Tây nước Mỹ đã làm dấy lên nghi vấn về việc sử dụng súng trên phim trường.
Phim trường "Rust" - nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm khi Alec Baldwin sử dụng súng đạo cụ.
Chuyên gia cung cấp đạo cụ Hollywood, Guillaume Delouche - người đã cung cấp đạo cụ cho các nhà làm phim trong 3 thập kỷ, với 75 tựa phim mang tên mình cho biết thường có nhiều biện pháp bảo vệ để tránh xảy ra những tai nạn thảm khốc tại phim trường "Rust" của Alec Baldwin.
Ông nói: "Mặc dù ngày nay việc thêm các hiệu ứng kỹ thuật số vào hậu kỳ tương đối dễ dàng và giá thành khá rẻ nhưng rất nhiều đạo diễn và diễn viên thích sử dụng súng thật. Vấn đề với vũ khí giả là loại bỏ độ giật và khói, điều này làm tăng thêm thứ gì đó cho diễn xuất".
Chuyên gia cung cấp đạo cụ Guillaume Delouche.
Guillaume Delouche cho biết thêm: "Khi bạn đưa cho diễn viên một khẩu súng cao su hoặc nhựa và thêm hiệu ứng của viên đạn sau đó bằng các hiệu ứng kỹ thuật số, vẫn có sự khác biệt rõ ràng".
Vậy trên phim trường xử lý súng như thế nào? Delouche chia sẻ các giao thức cần phải nghiêm ngặt, so sánh và kiểm tra nhiều lần giống như cách thức hoạt động với hệ thống an toàn máy bay.
"Chúng tôi coi vũ khí không có đạn như vũ khí thật.” Ông giải thích: "Trong nhiều trường hợp, chúng là vũ khí thật đã được điều chỉnh. Vũ khí được cất giữ trong két sắt. Một khi quay phim, chúng tôi sắp xếp đạn trống, được đánh dấu và mã hóa màu để phân biệt. Trước tiên, chúng tôi cho đoàn quay phim và các diễn viên thấy rằng khẩu súng rỗng trước khi nạp đạn. Khi chúng tôi bỏ đạn rỗng vào một khẩu súng, chúng tôi thông báo điều này nhiều lần đến ê-kíp".
Guillaume Delouche cho biết khi cần bóp cò súng thì phải có khoảng cách an toàn rất nghiêm ngặt: "Không ai được phép xung quanh trong phạm vi 6m hoặc trước nòng súng dưới 2m. Ngay cả với đạn rỗng, vẫn có thể có những mảnh vỡ nhỏ sẽ bắn ra. Tốt hơn là đừng bao giờ nhắm trực tiếp vào ai đó, vì vậy chúng tôi hợp tác với các nhà quay phim để dàn cảnh sao cho trông như nhân vật đang ở trong tầm bắn".
"Nếu chúng ta cần quay cận hơn, chúng ta sẽ dựng lên những bức tường Plexiglas. Chúng tôi sẽ bọc người cầm súng và nhân viên hậu đài bằng chăn cứu hỏa. Họ cũng có mũ bảo hiểm chống ồn và kính an toàn để bảo vệ khỏi những mảnh vỡ", chuyên gia đạo cụ Hollywood chia sẻ.
Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào tai nạn vẫn xảy ra như trên phim trường "Rust". Theo Delouche, các vụ tai nạn là cực kỳ hiếm khi xét đến việc vô số tác phẩm Hollywood có nhân vật sử dụng súng. Tuy nhiên, chúng có thể xảy ra nếu đạn vẫn còn thuốc được sử dụng trên trường quay vì một số lý do nào đó.
"Nhưng đạn thật hoàn toàn không có chỗ để sử dụng tại phim trường vì đạn giả cũng được sử dụng nhiều và trông chúng rất giống với đạn thật," ông nói.
"Có khả năng là một viên đạn giả bị tách ra khỏi vỏ đạn và sau đó lọt vào buồng súng. Nếu một khoảng trống được đặt phía sau viên đạn giả đó, thì nó cũng có lực bắn ra như đạn thật", Guillaume Delouche lý giải về tai nạn trên phim trường "Rust".
"Đây là điều khiến Brandon Lee phải trả giá bằng mạng sống của mình vào năm 1993 trên phim trường bộ phim "The Crow". Không có nhân viên nào của nhà sản xuất đạo cụ kiểm tra để ngăn chặn vụ tai nạn. Vì vậy, để xảy ra một tai nạn thì sẽ luôn luôn có một chuỗi các lỗi lầm trước đó", Guillaume Delouche khẳng định.