Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

 Chuyện cuộc đời kỳ lạ của nhà ngoại cảm có mối thâm thù với ma túy

Cả đời anh dành cho cuộc chiến chống ma tuý, kẻ thù mà anh coi là không đội trời chung

Kỳ 1: Người căm thù “ả Phù Dung”

Tôi biết đến nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn từ khá lâu rồi, và lần đầu tiên gặp anh khá đặc biệt, khi tôi giấu thân phận nhà báo. Anh hồn nhiên nói, ngoại cảm chân chính rất ít và sai là chủ yếu. Áp vong hầu hết là trạng thái thần kinh. Anh lấy ví dụ đem que rào nói là que nhang mà người ta còn tin là thật.

Tôi nhận thấy anh Lê Trung Tuấn là người rất thông minh. Sử dụng năng lực đặc biệt của não bộ, nhưng có tinh thần khoa học. Tôi dựa vào chi tiết que rào như anh nói để giải mã về hoạt động của não bộ.

Lê Trung Tuấn là người có khả năng đặc biệt, nhưng anh lại có đầu óc khoa học, nên anh biết phân biệt đúng sai, và phát triển năng lực đúng hướng. Cái năng lực khoa học sáng láng trong óc, đã giúp anh trở thành doanh nhân, sở hữu nhiều công ty lớn với mấy trăm nhân viên. Cũng vì thế mà anh tránh được chuyện lợi dụng vấn đề tâm linh, cả tin của người đời để kiếm tiền.

 Lê Trung Tuấn tuyên truyền tác hại của ma túy với học sinh.

Điều tôi phục Lê Trung Tuấn là ý chí vươn lên một cách khủng khiếp. Từ con nghiện bết bát, anh đã trở thành doanh nhân. Và điều đáng trân trọng hơn, là anh dành hết tâm huyết, tiền bạc của mình để "trả thù" ả Phù Dung. Cả đời anh dành cho cuộc chiến chống ma tuý, kẻ thù mà anh coi là không đội trời chung.

Tôi biết Lê Trung Tuấn đã lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (Viện PSD) từ mấy năm trước rồi, có cả các chuyên gia, các nhà tâm lý, các giáo sư tiến sĩ hỗ trợ, hoạt động sôi nổi trên lĩnh vực điều trị cai nghiện, tuyên truyền phòng chống ma túy. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực cực khó đối với một cá nhân, hoặc một tổ chức tư nhân, nên tôi không dễ gì tin tưởng.

Hai tháng trước, anh chủ động liên hệ, mời tôi lên xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Tây). Hóa ra, anh mua lại Khu du lịch Long Việt. Quả thực, tôi choáng ngợp với một không gian đậm đặc văn hóa Việt. Cái chợ quê cổ kính, ngôi nhà quan văn, quan võ, nhà địa chủ, khu tâm linh thờ mẫu, tháp đồ cổ nửa vạn món, khu phố cổ mậu dịch... Đặc biệt, là hàng loạt bảo tàng, trưng bày cổ vật từ thời đồ đá, đến tận thời chiến, bao cấp.

“Quả là người biết hưởng thụ!”, tôi nói vậy, nhưng Lê Trung Tuấn lại bật mí: “Anh mua chỗ này không chỉ biến nó thành chỗ nghỉ ngơi đâu, mà sẽ là nơi tuyên chiến với ma túy đấy!”. Một khu du lịch, nghỉ dưỡng, mà lại lôi ma túy vào thì khác nào đem bãi cứt trâu vào vườn hoa nhài, tôi nghĩ thầm như vậy.

Ấy thế mà, mấy hôm sau, anh lại gọi tôi lên, để tận mắt thấy cảnh rầm rộ đào móng khởi công Khu trưng bày và tuyên truyền tác hại về ma túy. Anh bảo rằng, anh đã mua thêm vài héc-ta đất của bà con cạnh Khu du lịch Long Việt để phục vụ ý tưởng tuyên chiến với ma túy ở phần gốc rễ, tức là góc độ tuyên truyền.

Mấy năm qua, anh đã đi khắp 64 tỉnh thành cả nước, có không biết bao nhiêu giờ cầm micrô nói chuyện với các em, các cháu học sinh, các giáo viên, các học viên trại cai nghiện, tuy nhiên, những lời nói ấy sức mạnh không thể bằng việc để các em học sinh mắt thấy tai nghe những tác hại khôn cùng của ma túy.

Bao năm qua, Lê Trung Tuấn đã tha lôi, gom góp về nhà không biết bao nhiêu hiện vật liên quan đến ma túy. Anh sang tận "Tam giác vàng" tìm hiểu về Khun Sa và thu gom các hiện vật về vùng đất sản xuất thứ chết chóc này. “Bảo tàng” đó, sẽ là nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật, với những câu chuyện kinh hoàng liên quan đến những hiện vật đó. Anh còn xây cả tầng hầm, tái hiện lại cảnh tang thương ở “nghĩa trang vòng hoa trắng” có thật ở Hạ Long, nơi cơn lốc ma túy quét qua, để lại những nghĩa địa trai trẻ phủ vòng hoa trắng.

Khởi công "bảo tàng" tuyên truyền tác hại ma túy. 

Lê Trung Tuấn muốn nhà trường đưa học sinh cả nước lên bảo tàng này, để tận mắt thấy sự khốc liệt, kinh sợ về ma túy, nghe những lời “đe dọa” của hướng dẫn viên, để găm vào vô thức các em nỗi sợ với ma túy, nhằm xây dựng tường thành vững chắc trong não các em khiến ma túy không thể nào xâm nhập vào được.

Không chỉ lôi ả Phù Dung ra “đe dọa”, mà Lê Trung Tuấn còn muốn giáo dục truyền thống yêu nước, tìm về cội nguồn, lịch sử ở trang trại của mình. Bảo tàng chiến tranh sẽ giúp các học sinh thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh khủng khiếp của cha ông, mà biết trân trọng cuộc sống mình có được.

Lê Trung Tuấn sinh ra ở quê, trong một gia đình có điều kiện, sa vào vũng lầy ma túy, trải qua mọi cảm giác đau khổ tận cùng, phê pha tột độ, rồi vật vã cai nghiện, rồi tìm ra phương pháp cai nghiện, nên anh quá hiểu tâm lý con người, quá hiểu mối quan hệ giữa ma túy và tâm sinh lý con người. Là người trải nghiệm đến tận cùng với nó, nên từ cách làm, bước đi của anh, từ gốc đến ngọn trong cuộc chiến với ma túy đều thật đáng kinh ngạc, thuyết phục.

Chiếc bán tải vòng vèo qua những làng quê, những bãi cỏ, những đồi thấp, dừng ở chân đập lớn, ngăn nước thành hồ Suối Hai.

Lê Trung Tuấn lái cano phóng như bay chở tôi đi một vòng quanh hồ nước rộng mênh mông 1.200 héc-ta này. Anh chỉ tay đến hòn đảo này, mô đất nọ, nói ra những ý tưởng của mình. Hòn đảo này sẽ trồng toàn loại cây giống cây phong, loài cây có ở Ba Vì, nhưng đẹp hơn phong rất nhiều, hòn đảo kia sẽ trồng toàn hoa, hòn đảo lớn nhất phía xa sẽ có tên “đảo chống biến đổi khí hậu”. Tức là, trên hòn đảo đó, các em học sinh sẽ trồng cây, gắn tên mình, và cái cây đó sẽ lớn theo em học sinh đó suốt cuộc đời.

Các học viên cai nghiện sẽ phát triển thương hiệu cá sạch Ba Vì. 

Bọn trẻ được tuyên truyền tránh ma tuý, được giáo dục sống trân trọng thiên nhiên một cách thuyết phục. Một nhân cách đẹp, một tâm hồn đẹp và tinh khôi từ nhỏ, sẽ không bao giờ vướng vào thứ ma túy rác rưởi - Lê Trung Tuấn quan niệm như vậy.

Ngồi trên canô, tí lại gặp những dải lưới dài cả ngàn mét vắt ngang hồ. Anh bảo, anh đã nghiên cứu các phương pháp đánh cá hiện đại nhất thế giới, và đã sang tận Na Uy đặt những chiếc lưới đánh cá, trị giá 5 tỷ đồng, mới bắt được cá ở hồ Suối Hai rộng mênh mông, sâu đến 25m.

Anh ngăn những góc hồ, thành những cái ao rộng vài chục héc-ta, nuôi cá giống, rồi mỗi năm thả ra hồ Suối Hai vài trăm tấn cá giống, rồi những chiếc lưới hiện đại nhất thế giới này, mỗi năm sẽ lôi lên từ hồ Suối Hai cả ngàn tấn cá thương phẩm, thu về hàng chục tỷ đồng để anh có tiền cung cấp cho chiến dịch chiến đấu với ma túy. Không chỉ công ty của anh, mà mấy trăm hộ dân quanh vùng cũng được đánh cá, bắt tôm dưới hồ. Anh bật mí rằng, có cặp vợ chồng mỗi tháng kiếm được 60-80 triệu đồng nhờ thả đó bắt tôm ở hồ Suối Hai.

Đi một vòng hồ, thì đến bến cảng, nơi có nhà tạm nhân viên đánh cá ở. Ngoài những nhân viên của xí nghiệp thủy sản cũ, thì hầu hết là những người đã từng sử dụng ma túy, được Viện PSD của anh cai thành công.

“Không chỉ có hồ suối Hai này đâu, anh còn thầu cả hai hồ nữa lớn nhất Ba Vì cơ. Nếu hồ Đồng Mô mà không có sân golf, gây nhiễm chì nguồn nước, thì anh đã thầu nốt rồi. Đây là những hồ nước lớn nhất Hà Nội và cực sạch, thế nhưng, chúng ta không biết khai thác thế mạnh của chúng. Trong thời gian ngắn tới đây, anh sẽ phát triển thương hiệu cá sạch Ba Vì, cung cấp mỗi năm vài ngàn tấn cá sạch cho Hà Nội. Nhưng điều thú vị, là thương hiệu cá sạch này sẽ do cả trăm học viên cai nghiện thành công gây dựng nên” - Lê Trung Tuấn tiết lộ một điều hết sức lạ lùng.

 Cả đời anh chiến đấu với ma túy.

Càng tiếp xúc sâu với Lê Trung Tuấn, tôi càng nhận ra nhiều điều bất ngờ và thú vị. Anh muốn chứng minh cho cả thế giới biết rằng, con nghiện không phải là những kẻ bỏ đi. Họ cũng chỉ là con người từng mắc bệnh, tức là bệnh nhân. Khi chữa khỏi bệnh, thì họ lại là con người bình thường, thậm chí còn làm việc hăng say và quyết tâm hơn người thường, để bù đắp những năm tháng tội lỗi gây ra cho mình và cho xã hội.

Vậy nên, chẳng có gì khó tin, khi cả chục công ty do Lê Trung Tuấn lập nên ở khắp mọi miền Tổ quốc, đều có rất đông những người từng nghiện ma quý làm việc, thậm chí điều hành. Những công ty ấy không chỉ tạo công ăn việc làm cho mấy trăm người nghiện, mà còn mang tiền về, không phải mang về cho gia đình và cá nhân anh, mà mang về cho anh thực hiện khát vọng chiến đấu mạnh mẽ và toàn diện hơn với ma túy.

Lê Trung Tuấn bảo: “Vợ anh cũng có một công ty vận tải riêng, cô ấy đã lo toàn bộ việc gia đình, để anh lo cho người nghiện. Anh đã tự hứa, chỉ để lại cho con cái mỗi đứa một cái sổ tiết kiệm 500 triệu đồng thôi, nhưng vợ anh cũng làm được việc ấy rồi. Mọi tâm huyết, tiền bạc của anh chỉ để phục vụ công cuộc tuyên chiến với ma túy. Hạnh phúc lớn nhất của anh, là khi nằm xuống, có mấy vạn ông nghiện đưa tang”.

Vì sao nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn lại căm thù ma túy đến vậy? Mời bạn đọc theo dõi bài sau, để thấy ma túy khiến cuộc đời anh tàn khốc như thế nào. Cũng là để chúng ta thấy rõ nhất bộ mặt của một con “ma” có tên là “túy”.

Còn tiếp...

Video: Thử nghiệm thành công mô hình cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế

Phạm Dương Ngọc

Tin mới