Ngỡ ngàng, bàng hoàng rồi dẫn đến nghi ngờ là tâm trạng của giới đầu tư trong ngày chứng khoán đỏ lửa 6/7. Chứng kiến VN-Index đổ đèo đầy bất ngờ, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự hoài nghi về việc có hay không thị trường bị thao túng bởi các “cá lớn”.
Nhà đầu tư chỉ loạt nghi vấn
"Trong 10 phút ATC, VN-Index đang xanh mướt bỗng đổ sàn toàn bộ, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát hàng tỷ USD. Chuyện gì đã xảy ra?" - hàng loạt câu hỏi tương tự đã được đặt ra ngay khi phiên giao dịch ngày 6/7 kết thúc.
Trên các diễn đàn về chứng khoán, nhiều ý kiến đặt nghi vấn về phiên mất điểm sâu nhất trong vòng 5 tháng gần đây này. Hầu hết đều cho là có một thế lực mạnh đủ sức thao túng gần như tất cả các mã trên sàn. Thế lực này ồ ạt bán ra cổ phiếu để ép giá xuống sâu, tạo xu hướng bán tháo mạnh trong phiên ATC (phiên đóng cửa). Từ đó, họ dễ dàng thu gom cổ phiếu giá rẻ để bắt đáy.
Chứng khoán liên tục lên, xuống thất thường trong thời gian gần đây, có phiên giảm 56 điểm.
Nhiều người thậm chí còn gọi phiên giao dịch này là một “vụ cướp thế kỷ” đã được lên kịch bản trước.
“Hẳn là có một thế lực khủng khiếp mới có thể đủ sức thao túng gần như tất cả các mã trên sàn như thế này”, Lê Sơn, một nhà đầu tư trên sàn HoSE bày tỏ.
Trong khi đó, nhà đầu tư Trương Lâm Hưng cho rằng có sự liên minh giữa các nhà đầu tư nhằm thao túng thị trường. “Các mã đồng loạt giảm sâu tại phiên ATC (phiên đóng cửa) đặt ra quá nhiều nghi vấn. Chắc hẳn phải có sự liên minh giữa các “tay to” với nhau để thao túng cả sàn chứ không phải một mã”, nhà đầu tư này nhận định.
Theo nhà đầu tư Trần Thành, các quỹ lớn xả hết từ nhiều tháng nay, nên “rõ ràng có sự bắt tay nhau làm trò chứ phiên ATC đặt mua có khớp được lệnh đâu”.
“Bán tháo cả 3 sàn mà không thấy có lý do chính đáng thì thật đáng nghi”, nhà đầu tư Đỗ Đức bức xúc chia sẻ.
Trước bức xúc của nhà đầu tư, ngay chiều tối 6/7, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) lên tiếng khẳng định hệ thống mới hoạt động bình thường, không gặp bất cứ sự cố nào trong phiên giao dịch hôm nay.
Ông Trà cũng bác công văn lan truyền trên mạng xã hội về việc hệ thống giao dịch bị lỗi trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) và HoSE phải đối soát dữ liệu.
Tuy vậy, nhà đầu tư cho rằng giải thích của lãnh đạo HoSE thiếu thuyết phục. “Tôi cho rằng lý do lãnh đạo HoSE nêu ra chưa thuyết phục. Tại sao nhà đầu tư không bán ngay từ đầu phiên, mà phải chờ đến gần cuối thì ồ ạt bán ra. Trong khi đó thị trường chưa có dấu hiệu gì bất ổn để phải bán tháo cả”, nhà đầu tư Công Hiếu bức xúc.
Gay gắt hơn, có người đặt câu hỏi: "Thị trường chứng khoán mà hoang dã như vậy thì ai dám đầu tư?".
Có người thì bày tỏ kiến nghị được bỏ phiên ATC, vốn gây rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Chuyên gia phân tích gì?
Trả lời VTC News về nghi vấn có sự "bắt tay nhau" để cùng thao túng thị trường, ông Hoàng Việt Cường – Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán VPS - cho rằng đà giảm này chỉ mang tính thời điểm và không có gì bất thường.
"Tôi cho rằng sự bất thường ở đây mang tính chất thời điểm bởi hệ thống mới cần thời gian để người ta làm quen và tinh chỉnh, hoạt động trơn tru do FPT không phải là công ty chuyên về xây dựng hệ thống chứng khoán. Ngoài ra, những câu chuyện liên quan đến COVID-19, hay P/E thấp, cao cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn này. Do vậy, biến động trong biên độ lớn là dễ hiểu", ông Cường nói.
Ông Hoàng Việt Cường – Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán VPS
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng chuyện thao túng trên thị trường có thể xuất hiện ở một số thời điểm nhất định. Thông thường nhà đầu tư luôn tìm câu trả lời cho những gì đã xảy ra, nhưng nên quay về bản chất chung của thị trường là còn dư địa tăng nữa hay không.
Ông Cường phân tích, với nền lãi suất thấp, dịch COVID-19 khiến dòng tiền chưa có phương án đầu tư nào khác tiềm năng hơn thì chắc chắn tiền vẫn sẽ nằm trong thị trường chứng khoán.
“Những sự kiện như thế này thường xuyên xảy ra với chứng khoán từ đầu năm đã có những cú sụt giá 2 – 3 lần và sau đó thị trường lại hồi phục. Quan trọng là nhà đầu tư phải có chiến lược phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Cường nói.
Trước nghi ngờ của nhiều nhà đầu tư về việc diễn biến thị trường đã bị can thiệp và không còn khách quan, phản ánh đúng xu thế, ông Cường nêu quan điểm hệ thống mới luôn có những rủi ro không lường trước, kể cả có chạy thử vài chục lần.
“Tôi nghĩ là không phải do sự can thiệp của sàn hay bất kỳ ai khác. Hệ thống của FPT có những thời điểm chưa tương thích nhưng tôi tin rằng FPT có thể xử lý sớm tình trạng này”, ông Cường cho biết.
Ông Cường cũng khẳng định không thể bỏ phiên ATC được vì phải theo chuẩn thế giới. Vẫn theo ông Cường, những rủi ro về hệ thống thì nhà đầu tư cần thông cảm vì thực sự ai cũng muốn hệ thống ổn định, mượt mà hơn.
“Quan điểm của tôi là hệ thống hoạt động như thế này đã là sự tích cực lớn rồi. Tôi tin, nếu giả thuyết trên xảy ra, cơ quan chức năng và quản lý chắc chắn sẽ phối hợp để xử lý triệt để”, ông Cường cho biết.
Nói về giả thiết thị trường chứng khoán hỗn loạn, có sự sắp đặt kịch bản, theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, từ trước đến nay, để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, pháp luật đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt để xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Do đó, việc giao dịch thao túng thị trường chứng khoán được pháp luật quy định cụ thể. Theo đó, các tội phạm liên quan đến chứng khoán đã được cụ thể hơn rất nhiều, tội thao túng thị trường chứng khoán có thể lên đến 7 năm tù nếu có tổ chức, thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định thì bị phạt tiền từ 2 – 10 tỷ đồng. Thậm chí vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
“Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 - 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm”, ông Bình nói.