Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư là 392.644 tỷ đồng.
Nhiều dự án quan trọng được thông qua
Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).
"Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Các đại biểu dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ).
Về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong 5 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do hậu quả của dịch COVID-19 và khó khăn phát sinh do căng thẳng địa chính trị, kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát tăng cao và đà phục hồi chậm lại rõ rệt. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được cải thiện, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2021/QH15 của Quốc hội từng bước được cụ thể hóa và triển khai, tạo tiền đề căn bản để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, GDP quý I đạt 5,03% và tiếp tục tăng trưởng khá trong quý II; hoạt động bán lẻ khởi sắc, phục hồi gần về mức trước dịch COVID-19; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt hơn 305 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021, cán cân thương mại thặng dư; thu ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 57% dự toán năm, tăng 18,7%...
Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Đặc biệt, tại kỳ họp này, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã đồng ý bổ sung nội dung bất thường về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp và đã ban hành Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á.
"Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã được nhận diện, xử lý nghiêm và tích cực kiểm soát, lành mạnh hóa", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là do diễn biến phức tạp tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản...
Giám sát, chất vấn nhiều nội dung trọng tâm
Về công tác lập pháp, Quốc hội thông qua 5 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua 2,5 ngày tiến hành chất vấn 3 Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, với sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng và các tư lệnh ngành về các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải, đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn rất “trúng và đúng”, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Quốc hội)
"Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm với tinh thần xây dựng cao. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, người đứng đầu các ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể, cả về việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri cả nước. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ", Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát
Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
"Đây là các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023. Quốc hội cũng đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Toàn cảnh phiên bế mạc chiều 16/6. (Ảnh: Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm: "Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Chính phủ, các cấp, ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Kết luận của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, về các khung kế hoạch 5 năm 2021- 2025".
Đặc biệt là khẩn trương triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Kỳ họp thứ 3 đã xem xét một khối lượng công việc lớn, đạt sự đồng thuận rất cao, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.