Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cử tri nêu nhiều ý kiến tâm huyết với sự phát triển đất nước và TP.HCM, trong đó tập trung vào vấn đề quy hoạch treo dẫn đến một số dự án treo gây bức xúc cho nhân dân, đồng thời yêu cầu TP.HCM sớm rà soát, đưa ra biện pháp xử lý để người dân ổn định cuộc sống.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổ ĐBQH TP.HCM Đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri vui mừng nhận thấy, sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn tháng 4 vừa rồi do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Củ Chi. Một số chương trình an sinh xã hội được vận động tại hội nghị xúc tiến đầu tư này đang được các doanh nghiệp, mạnh thường quân thực hiện, như chăm lo cho các gia đình chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện với 500 căn nhà tình nghĩa, tình thương, 500 suất học bổng, 5000 thẻ BHYT, 1 trường học.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cử tri nêu nhiều ý kiến tâm huyết với sự phát triển đất nước và TP.HCM.
Cử tri Hồ Thị Phượng, bày tỏ, hiện nay huyện đã triển khai chăm lo học bổng cho các em học sinh vào đầu năm học, tiến hành sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2023 để người dân an tâm vui xuân đón Tết. Qua đó, nhân dân rất phấn khởi và biết ơn đối với việc làm hết sức ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự quan tâm và tình cảm của cá nhân Chủ tịch nước đã dành cho đồng bào và nhân dân của huyện Củ Chi.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại, nhất là hạ tầng cơ sở của huyện Củ Chi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cả giao thông, các tuyến đê bao xuống cấp; việc cần nâng tuyến đường Nguyễn Thị Rành, tuyến đường quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của huyện Củ Chi và nâng cấp một số khu di tích lịch sử; đặc biệt tình trạng quy hoạch treo, tình trạng không tách thửa được đất dẫn đến đời sống người dân không ổn định, gây bức xúc kéo dài.
Các cử tri cũng đề cập đến vấn đề đổi mới sách giáo khoa khiến nhiều gia đình gặp khó khăn vì phải mua các bộ sách giáo khoa mới; vấn đề bổ sung quy định để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn…
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại, nhất là hạ tầng cơ sở của huyện Củ Chi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cả giao thông, các tuyến đê bao xuống cấp.
Cử tri Huỳnh Văn Tây đề nghị UBND TP.HCM xem xét tháo gỡ vướng mắc tình trạng chậm trễ kéo dài 14 năm đối với 77 hộ dân còn lại của dự án Khu công nghiệp Đông Nam: "Tôi đề xuất một lần nữa thành phố cần quan tâm Khu công nghiệp Đông Nam. Người dân còn lại 1/3 đến giờ phút này chưa biết mình được đền bù tái định cư như thế nào. Tôi nói ví dụ nhỏ nhất, chỉ ở nhà trọ 800 đến 1 triệu đồng trong 14 năm thôi nhân ra là bao nhiêu tiền. Thực tế này phải nói là bức xúc và đau khổ của dân".
Về kiến nghị này của cử tri Huỳnh Văn Tây và một số kiến nghị khác đối với các dự án treo khác trên địa bàn Củ Chi và TP.HCM, Tổ ĐBQH đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với cử tri. Ông Phan văn Mãi đã xin lỗi cử tri về sự chậm trễ giải quyết các bức xúc này và cho biết sẽ thúc đẩy giải quyết nhanh các bức xúc của cử tri, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP.HCM, bà con nêu rất tập trung là quy hoạch và triển khai quy hoạch chậm. Nhiều quy hoạch treo trên 10 năm nay, từ khu công nghiệp đến khu dân cư, gây khó, gây khổ cho người dân không được sửa chữa nhà ở, không có đất đai, phải chờ đợi: "Hôm nay có lãnh huyện Củ Chi thì cần rà lại để xử lý, đừng để tái lại nhiều lần. Đây là kiến nghị rất chính đáng của bà con. Dự án nào làm được, đúng quy hoạch thì phải tập trung triển khai, dự án nào không làm được thì không được để quy hoạch treo. Nói đi đôi với làm, hứa thì phải giữ lời hứa và làm đến nơi đến chốn".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tán thành với cử tri về việc cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của các huyện vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ. Với kế hoạch trung hạn thì Thành phố và huyện Củ Chi nên chia phân kỳ, dự án nào cấp bách thì tập trung xử lý, giải quyết ngay.
Đề cập Củ Chi có nhiều hộ đông dân, nhưng tách thửa không được, Chủ tịch nước đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần có phương án báo cáo UBND TP.HCM, Thường vụ Thành ủy, HĐND TP để giải quyết, không để tình trạng cả hộ gia đình đông con đang sống trong nhà nhỏ, chật hẹp, trong khi diện tích đất còn rất lớn lại không thể tách thửa để triển khai xây dựng, tránh tình trạng người dân tự ý xây dựng trái phép rồi lại bị cưỡng chế phá dỡ.
Trong khi đó, cử tri Lê Văn Thạch mong muốn TP.HCM đẩy mạnh triển khai các dự án mà nhà đầu tư đã cam kết và mong muốn đầu tư vào Củ Chi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn.
Cử tri mong muốn TP.HCM đẩy mạnh triển khai các dự án mà nhà đầu tư đã cam kết và mong muốn đầu tư vào Củ Chi .
Cử tri Lê Văn Thạch cho rằng, sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào các huyện Củ Chi và Hóc Môn do Chủ tịch nước Chủ trì tại TP.HCM, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Củ Chi, quan tâm đến các dự án như là 10 phân khu ven sông Sài Gòn, khu công viên Sài Gòn Safari, Dự án Trung tâm thương mại của huyện Củ Chi, dự án khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi mở rộng. Tuy nhiên quy hoạch các dự án này đã có từ rất lâu, các chỉ tiêu quy hoạch và tỉ lệ phân bổ giữa đất xây dựng, công viên cây xanh… không còn phù hợp và khó thu hút nhà đầu tư.
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta xúc tiến đầu tư ở 2 huyện rất thành công, quy mô lớn với 12 tỷ USD với nhiều dự án quan trọng có thể thay đổi chất lượng cuộc sống và giải quyết việc làm cho người dân địa phương, nhất là giải quyết việc làm, hạ tầng, nhà ở xã hội. .
Sau hội nghị các huyện đã bám vào để triển khai thực hiện, thúc đẩy giải quyết. Tuy vậy kết quả vẫn chậm, lý do quan trọng là quy hoạch chưa bài bản, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề. Tôi sẽ có cuộc làm việc với TP để rà soát lại, xem dự án nào đã ký nhưng chưa có mặt bằng, đất đai để họ triển khai.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo tới cử tri về kết quả thành công của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa diễn ra, đã đề ra một số quyết sách lớn, trong đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Về các nhiệm vụ của năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, vượt ngoài dự báo, tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến nước ta, trong đó có TP.HCM.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tán thành với cử tri về việc cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của các huyện vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ.
Chủ tịch nước khẳng định, trong bối cảnh ấy, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xây dựng nền kinh tế tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Cả nước có 14/15 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, nhiều chỉ tiêu hoàn thành cao. Riêng năng suất lao động tổng hợp TFP chưa hoàn thành.