Sáng 6/4, tại Tiền Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, nội dung quan trọng là phát triển kinh tế tập thể. Cùng dự buổi làm việc có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; lãnh đạo một số bộ, ngành.
Chủ tịch nước đánh giá, Tiền Giang có đủ điều kiện, cơ sở, bài học kinh nghiệm để phát triển các HTX kiểu mẫu tiêu biểu trong cả nước.
Theo báo cáo của tỉnh Tiền Giang, năm 2021 và quý I năm 2022, tỉnh đã thành lập mới 23 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số lên 247 HTX, trên thu hút 87.300 thành viên, tạo việc làm cho trên 30.600 người. Tổng doanh thu của các HTX trên 2.650 tỷ đồng, lợi nhuận trên 73 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Qua phát triển HTX tại Tiền Giang đã góp phần tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện một số mô hình HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau an toàn, mô hình HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP và kết hợp với du lịch nông thôn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ có tiến bộ hơn, thể hiện qua các mô hình sản xuất kinh doanh của các HTX. Năm qua tỉnh đã nâng số sản phẩm OCOP lên con số 80. Nhiều huyện, xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trong quý 1 năm nay.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Tiền Giang triển khai nghiêm túc Nghị quyết 13 của BCH Trung ương khóa IX về phát triển kinh tế tập thể, hình thành nhiều HTX quy mô lớn hơn, mô hình quản trị hiệu quả, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Nêu một số bất cập của Tiền Giang trong phát triển, trong đó có phát triển HTX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh cần có khát vọng phát triển mạnh mẽ, khắc phục các tồn tại. Cần tận dụng lợi thế gần khu vực TPHCM; sử dụng đất đai hiệu quả hơn gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để có nền nông nghiệp đa chức năng, thông minh, hữu cơ; phát triển các ngành công nghiệp chế biến và phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc.
Về hướng phát triển kinh tế HTX thời gian tới tại tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Xu hướng tất yếu là phát triển kinh tế hợp tác và HTX tại Việt Nam. Chính vì thế tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cụ thể hơn.
Qua khảo sát cho thấy còn nhiều tồn tại, nhất là chính sách pháp luật, chỉ đạo phát triển kinh tế HTX. Trong đó có nhiều vấn đề như giải quyết vốn kể cả tín chấp và thế chấp. Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu để thúc đẩy vấn đề này mạnh mẽ hơn, nâng mức vay tín chấp. Đất đai phải được quan tâm để HTX có điều kiện làm cánh đồng sản xuất lớn. Đặc biệt, cần chú ý hơn nữa đến quản trị và nguồn nhân lực HTX. Hoạt động của HTX thành công chính là nhờ người có trình độ, tâm huyết.
Tán thành với việc cần nghiên cứu, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm triển khai Nghị quyết 13 của BCH Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách, nguồn lực xã hội, kể cả chuyển đổi số để các HTX có vị thế.
Các ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ thị trường, chuỗi liên kết cung ứng, tham gia vào các chuỗi phân phối hiện đại, siêu thị. Các ngành ngân hàng, nhất là NHCSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến khích các ngân hàng thương mại dành một nguồn vốn cho vay HTX. Có chính sách ưu đãi cụ thể trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Liên minh HTX Việt Nam và các địa phương tiếp tục phát triển kinh tế HTX và đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012.