Chiều 4/5, kết luận phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Dịch bệnh mang lại thách thức chưa từng có về mọi mặt với nhiều quốc gia; từ những câu hỏi mang tính chất nhân đạo cho đến kiểm điểm chính sách, cấu trúc xã hội kinh tế”.
Ở Việt Nam hiện có 151 ca mắc COVID-19 được chữa khỏi nhưng có 14 ca dương tính trở lại (có ca sau 18 ngày). “Tôi đã hỏi các chuyên gia CDC của một số nước châu Âu thì bệnh này nhiễm vào phổi nên rất có thể virus này nằm ẩn nấp trong phổi. Khi điều trị xong lại bùng phát lại và lên mũi, họng. Việc này Bộ Y tế đã giải thích.
Ở Hà Nội tất cả các trường hợp chữa khỏi sau khi nhiễm bệnh về địa bàn tiếp tục phải cách ly tại nhà 30-35 ngày. Lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên”, ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trở thành thói quen tại gia đình, nơi làm việc, giữ khoảng cách an toàn nơi công cộng và không tụ tập đông người khi không cần thiết.
Các đơn vị tiếp tục cảnh giác cao độ, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh COVID-19; phải phát hiện nhanh tất cả các trường hợp bất thường như ho, sốt, đau họng, cách ly và xét nghiệm kịp thời.
"Tất cả các trường hợp này không cần chờ đợi mà cách ly ngay", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp ngày 4/5.
Ông Chung cũng đề nghị với các trường hợp bất thường, đưa vào 5 Bệnh viện của thành phố, nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, cho cách ly tại nhà; dương tính chuyển đến Bệnh viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
"Phân loại, truy xuất nguồn lây là việc làm rất quan trọng. Bất luận trường hợp nào, đều phải làm rõ nguồn gốc lây nhiễm để kịp thời xác định F0, F1, F2. Công tác chuẩn bị vật tư y tế là công tác lâu dài cho đến khi thế giời hết dịch và đến khi có vaccine. Nếu kể cả có vaccine thì phải trong vòng 3 năm nữa mới có thể có vaccine đại trà”, ông Chung nói.
Từ việc sắp tới số lượng người khám chữa bệnh sẽ tăng, yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm quy định mỗi người bệnh chỉ được một người nhà chăm sóc, Chủ tịch Hà Nội cho biết, điều này vừa giảm nguy cơ lây nhiễm vừa giảm được từ 5 đến 60 nghìn người tham gia giao thông, giảm ùn tắc.
Các bệnh viện cũng cần học hỏi mô hình hẹn giờ khám bệnh qua mạng của Bệnh viện đa khoa Đức Giang để người bệnh không tập trung đông, không bị ùn ứ tại các bệnh viện.
Về việc học sinh trở lại trường và thực hiện giãn cách giờ học, theo Chủ tịch UBND TP cho rằng giãn cách từ 1 đến 1,5m trong lớp học sẽ gặp nhiều khó khăn nên các trường cần cố gắng giữ khoảng cách an toàn nhất có thể.
“Thời gian vừa qua tất cả các nguồn lây giai đoạn 1 ở và giai đoạn 2 từ nhiều nước về … được ngăn ngừa và kiểm soát tốt. Nếu chúng ta không tiếp xúc với người nước ngoài, những người đi từ vùng biên giới trở về thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm nhiều”, Chủ tịch UBND TP nói thêm.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra tất cả các cửa hàng không thiết yếu phải mở cửa sau 9h. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào nhất là: cửa hàng bán hoa, sửa chữa xe máy, điện tử điện lạnh, ba lô túi xách, khung tranh ảnh, lò rèn, hàng ăn…
“Thời gian này Ban chỉ đạo phòng dịch bệnh COVID -19 sẽ chỉ họp 3-4 ngày một lần để tập trung chăm lo cho sản xuất, đời sống…”, ông Chung cho hay.
Video: Phụ huynh lo lắng, học sinh háo hức đến trường sau kỳ nghỉ dịch COVID-19