Tối 26/12, Sở Y tế Hà Nội công bố thêm 1.887 ca mắc COVID-19 mới, cao hơn con số 1.879 ca của ngày trước đó. Nhiều ngày qua, số trường hợp dương tính ở Hà Nội liên tục đạt đỉnh, các ca mắc trải đều trên hầu hết các quận, huyện, các phường.
Số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội đang tăng nhanh.
Số ca mắc COVID-19 tăng là hệ quả có thể lường trước của quá trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội, nhưng nhìn vào sự lơ là chống dịch của nhiều người Hà Nội những ngày này, không thể không lo về viễn cảnh số ca bệnh tăng vượt tầm kiểm soát.
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, việc xác lập cuộc sống bình thường mới không chỉ thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu giao dịch tăng cao vào cuối năm, mà còn mang lại bầu không khí phấn khởi cho người dân Thủ đô, vốn bị ảnh hưởng cả về sinh kế lẫn đời sống tinh thần. Mở cửa trở lại để thích ứng với đại dịch là quá trình mà chính quyền và người dân cần chuyển đổi một cách "an toàn và linh hoạt" trong cả tư duy lẫn thói quen, lối sống. Tất cả phải dựa trên các nguyên tắc phòng chống dịch, trong đó có việc tuân thủ thông điệp 5K. Điều này đòi hỏi ý thức của người dân cùng công tác quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, trạng thái phòng chống dịch của Hà Nội dường như đang chuyển thẳng từ cực này sang cực khác. Sau những ngày "đóng cửa" nghiêm ngặt, nhiều người cư xử như thể Hà Nội đã trở lại thời chưa có COVID-19. Họ không hiểu rằng "bình thường mới" không thể giống với "bình thường cũ", vì từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện, cuộc sống - với toàn bộ thói quen, hành vi, cách thức làm việc, giao tiếp của con người - không bao giờ còn có thể trở lại như xưa. Vì thế mà họ lơ là 5K, "quên" đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, "quên" giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp, lờ khi khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người...
Phố Hàng Mã (phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đông kín người đêm Giáng sinh.
Có thể thấy rõ điều này vào buổi tối 24/12, trong khi khu vực Nhà thờ Lớn vắng vẻ do các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch của chính quyền, nhiều tuyến phố trung tâm khác ở quận Hoàn Kiếm lại ken đặc người đi chơi giáng sinh. Khoảng cách an toàn bị xóa bỏ đã đành, nhiều người còn không thèm đeo khẩu trang, hoặc đeo theo kiểu "có cũng như không".
Người dân "quên", các lực lượng chức năng cũng không quyết liệt nhắc cho họ nhớ. Rất ít người bị phạt vì không đeo khẩu trang. Ở nhiều hàng quán, việc quét mã QR, khai báo y tế cũng được chăng hay chớ, vị khách nào lười quét mã thì nhân viên cũng dễ dàng bỏ qua.
Có vẻ như "bình thường mới", "thích ứng an toàn và linh hoạt" ở Hà Nội đang bị biến thành "thả nổi". Quá ỷ lại vào 2 mũi vaccine được tiêm, người ta quên mất thực tế rằng mỗi ngày Thủ đô có trên dưới 1.800 ca COVID-19 mới.
Đó là chưa kể, việc dừng các hoạt động giải trí, thể dục thể thao, dừng phục vụ ăn uống tại chỗ ở quận này nhưng lại mở ở quận kia cũng khiến quá trình phòng dịch trở nên thiếu nhất quán. Khi hàng quán ở quận vùng cam chỉ được bán mang về, dân trong quận tràn sang quán bên kia đường hoặc chỉ cách mấy bước chân nhưng thuộc địa bàn quận khác, khiến biện pháp hạn chế ngăn dịch đó trở thành vô nghĩa. Khá khôi hài khi cùng thuộc khu đô thị Times City nhưng trong lúc phần lớn cơ sở ăn uống dừng phục vụ tại chỗ thì cách đó vài chục mét, khu Park Hills vẫn hoạt động bình thường vì thuộc địa phận quận Hoàng Mai (thời điểm chưa thành vùng cam). Rõ ràng, cách quản lý này của Hà Nội đang có vấn đề.
Trước thực trạng số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng lên những ngày qua, Hà Nội cần xốc lại ngay ý thức chống dịch ở cả người dân và lực lượng chức năng. Đừng coi vaccine là tấm khiên không thể đâm thủng. Hãy nhớ rằng vaccine chỉ là một thành phần trong phương châm chống dịch: 5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Không thể cứ giãn cách xã hội mãi, nhưng việc chuyển từ thái cực kiểm soát gắt gao sang thả lỏng quá mức có thể làm hỏng thành quả chống dịch nhiều tháng qua. Đừng xem thường con số 1.800 ca mỗi ngày. TP.HCM cũng đã trải qua giai đoạn như vậy trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng. Bài học mang tên TP.HCM vẫn còn đủ nóng để Hà Nội tránh đi vào vết xe đổ của sự lơ là, chủ quan. Hãy khắc thật sâu hai chữ "an toàn" trong cụm từ "thích ứng an toàn", nếu không muốn "vỡ trận" vì dịch bệnh trong tương lai gần.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.