Theo The Guardian, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất tại Mỹ - chỉ số đo lường nhiều loại hàng hóa và dịch vụ - phản ánh chi phí sinh hoạt đã giảm 0,1% trong tháng 12/2022, so với mức tăng 0,1% trong tháng 11/2022.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại nước này đã giảm từ 7,1% trong tháng 11/2022 xuống 6,5% trong tháng 12/2022, tháng thứ sáu liên tiếp giảm trong năm. Các dữ liệu được lấy từ cơ quan thống kê lao động Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ lần đầu giảm sau hơn 2 năm. (Ảnh minh họa: Getty)
Bất chấp sự sụt giảm này, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ hiện vẫn cao hơn gấp ba lần so với mục tiêu hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang (FED) là 2% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2023.
Theo các báo cáo, giá xăng giảm (9,4%) tại Mỹ cho đến nay là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mức giảm các chỉ số hàng tháng. Mức giảm này bù lại mức tăng các chi phí nhà ở (bao gồm tiền thuê nhà và các chi phí liên quan) - tăng 0,8% trong tháng và tăng 7,5% so với một năm trước.
Lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1982, do nhiều yếu tố như chiến sự Ukraine làm tăng chi phí năng lượng và các vấn đề về chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19.
FED đã tăng lãi suất với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ khi cơ quan này tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Gần đây nhất, cơ quan thông báo về đợt tăng lãi suất thứ 7 trong năm vào tháng 12/2022.
Chủ tịch FED Jerome Powell đã chỉ ra rằng việc tăng lãi suất có thể chậm lại khi lạm phát giảm, nhưng ông cũng nói rõ lãi suất sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi lạm phát được đưa xuống mức mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Ngoài ra, sức mạnh liên tục của thị trường việc làm Mỹ - nơi ghi nhận năm tăng trưởng mạnh thứ hai vào năm 2022 - cũng khiến FED cho rằng dẫn đến mức lương cao hơn, có thể gây thêm áp lực lạm phát.
Các nhà kinh tế tại Bank of America nhìn chung nhận định: “Mặc dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh, FED vẫn lo lắng khi thị trường lao động quá nóng. Báo cáo CPI mới nhất 'không có khả năng dập tắt những lo ngại đó'".