"Mặc dù một số đơn vị tiêu thụ lớn đã ngừng nhập khí đốt từ phía đông, nhưng vẫn có cùng một lượng khí đốt chảy qua lãnh thổ Ukraine cho thấy châu Âu vẫn rất quan tâm đến loại khí đốt này", Công ty Slovensky plynarensky priemysel (SPP) - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất tại Slovakia cho biết.
Hiện tại, SPP vẫn đang nhận khí đốt từ Nga sau khi Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Áo. Nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của đất nước này thông tin thêm những nhà cung cấp khác thậm chí còn mua khí đốt nhiều hơn trước.
Châu Âu vẫn cần lượng khí đốt lớn cho mùa Đông. (Ảnh: Sputnik)
Công ty năng lượng Áo OMV cũng tuyên bố nhận được thông báo từ Gazprom về việc ngừng cung cấp khí đốt bắt đầu từ ngày 16/11. Động thái này diễn ra ngay sau khi OMV thông báo ngừng thanh toán cho những đợt giao hàng tiếp theo khi giành được phán quyết trọng tài trị giá 230 triệu euro từ Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) liên quan đến tranh chấp hợp đồng với Gazprom.
Đại diện của Gazprom tiết lộ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vẫn giữ nguyên khối lượng 42,4 triệu m3 mỗi ngày cho trạm bơm khí Sudzha ở vùng Kursk của Nga.
Tháng 7/2024, Áo mua hơn 80% khí đốt từ Nga. Hiện tại, nước này dự kiến chuyển sang mua khí đốt từ Đức, quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong quý 2/2024, Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU sau Mỹ, bất chấp những nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Áo, nước này vẫn tiếp tục cung cấp cho Hungary và Slovakia. Tuyến đường duy nhất mà Nga có thể cung cấp khí đốt cho các nước Tây Âu và Trung Âu là qua tuyến đường trung chuyển Urengoy - Pomary - Uzhgorod thời Liên Xô qua Ukraine.
Tuyến đường này vận chuyển khí đốt từ phía tây Siberia qua Sudzha ở vùng biên giới Kursk của Nga. Sau đó, chảy qua Ukraine theo hướng Slovakia, nơi rẽ nhánh sang Cộng hòa Séc và Áo. Ba nước Trung Âu - Hungary, Slovakia và Áo phản đối chính sách của EU, yêu cầu thành viên ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga.
Đồng thời, sau khi Kiev tuyên bố không gia hạn hợp đồng trung chuyển giữa Gazprom và Naftogaz, chính quyền Nga tuyên bố sử dụng tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt.