Mới đây, trong chương trình “Gặp mặt thân mật các đại biểu về dự chương trình ‘Chia sẻ cùng thầy cô’ năm 2017’, 60 cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đã được vinh danh.
Ngoài ra, chương trình còn là dịp để tuyên dương 30 học sinh nghèo, vượt khó tại các tỉnh ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Em Zoa Mưng Sổng là 1 trong 30 học sinh được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2017.
Tâm sự xúc động về sự giúp đỡ nhiệt tình về tinh thần và vật chất của bộ đội Việt Nam, em Zoa Mưng Sổng (lớp 8) - bản Thọong Bẹ, huyện Căm Pớt, Poly Khăm Xay, Lào cho biết là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ của em đều làm nương. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Zoa Mưng Sổng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ theo học lấy con chữ.
“Gia đình đông con, điều kiện khó khăn khi không đủ gạo ăn mỗi ngày, nhưng khi nhận được sự giúp đỡ của các anh bộ đội Việt Nam, gia đình em thấy rất vui. Nhà gần trạm xá của bộ đội Biên phòng Việt Nam nên em luôn nhận được sự giúp đỡ của các anh về kinh tế, học tập. Kết quả, thành tích học tập tốt hơn rất nhiều”, Zoa Mưng Sổng nói.
Từ khi được các chiến sỹ giúp đỡ, đặc biệt là anh Nguyễn Viết Đức, bản thân và gia đình cậu nhận thấy có bước tiến rõ rệt. Sổng cho biết, lần đầu tiên gặp các anh bộ đội Việt Nam, cậu đã rất ấn tượng với những chiến sĩ này.
Video: Thầy giáo công an điển trai dạy guitar cho trẻ em khiếm thị
Tính đến nay, nam sinh này đã có 3 năm được anh Đức kèm cặp, giúp đỡ. Được biết, bản Thọong Bẹ cách trường học khoảng 4-5km. Tuy vậy, cậu đã cố gắng đạp xe đến lớp mỗi ngày dù đường ngoằn ngoèo khó đi.
Khi được hỏi về mơ ước, Zoa Mưng Sổng vui vẻ nói: “Em sẽ học thật tốt để lớn lên làm cán bộ, cơ quan Nhà nước thì vui chứ không muốn làm nông nghiệp vất vả như bố mẹ. Đây là động lớn để em cố gắng học mỗi ngày”.
Ra Hà Nội tham dự lễ tuyên dương lần này, Sổng cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc. “Hà Nội đẹp, đẹp lắm. Hà Nội khác xa bên em, ở đây người đông, nhà to còn bên bản em, chủ yếu ruộng đồng và nương rẫy, không có phố phường và xe cộ tấp nập như thế này”, Sổng nói.
Đơn vị anh Đức còn phụ trách luôn công tác chăm sóc sức khỏe tại địa bàn của bản Thọong Bẹ.
Bác sỹ Nguyễn Viết Đức (Trưởng trạm xá quân dân y, bác sỹ đóng quân tại Lào) cho biết, các bản của Lào có điều kiện học tập, giáo dục của họ còn thấp.
Nắm bắt qua tình hình học tập của cháu cũng như là giáo viên nhà trường tại khu vực (bản Thọong Bẹ), anh Đức cùng các chiến sỹ tại đơn vị đến làm việc trực tiếp và được biết học lực của Zoa Mưng Sổng xếp hạng trung bình. Tuy vậy, sau 3 năm quan tâm, kèm cặp, cháu Sổng đạt học sinh giỏi của trường.
“Sổng đi học buổi học buổi không. Vào mùa nương mùa rẫy mùa săn mùa bắn, cậu theo bố mẹ đi làm. Vì vậy, tôi và các anh trong đơn vị vừa hỗ trợ kinh tế vừa động viên gia đình về tinh thần để cháu được tới trường”, anh Đức cho biết thêm.
Thiếu tá Trần Nho Qúy (Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Hà Tĩnh) chụp ảnh lưu niệm cùng em Zoa Mưng Sổng và anh Nguyễn Viết Đức tại buổi gặp mặt.
Thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Viết Đức chia sẻ cơ duyên gặp và giúp đỡ em của Zoa Mưng Sổng: “Từ khi xây dựng trạm xá quân dân y, tôi đã nắm sâu sát địa bàn, nắm chắc các trường hợp điều kiện khó khăn cũng như kinh tế - chính trị - xã hội tại bản nắm rất chắc. Vì vậy, từ khi có chủ trương, chúng tôi bắt đầu khảo sát, đặt vấn đề với bản tại khu vực đơn vị đóng quân để lựa chọn những em có hoàn cảnh thực sự khó khăn nhất”.
Được biết, đơn vị anh Đức đóng quân ở khi vực bản Thọong Bẹ (1 trong những bản tiếp giáp tỉnh Hà Tĩnh), và khi nhận được chủ trương của Bộ Tư lệnh và Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh đã nhận đỡ đầu các cháu biên giới và các bản tiếp giáp biên giới Việt Nam.
“Qua khảo sát tình hình thực tế, nhận thấy hoàn cảnh nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi xin ý kiến của bản sở tại, người dân cũng như cán bộ trong bản đã nhất trí đối với tinh thần và chủ trương của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Theo đó, chúng tôi đã lựa chọn những cháu khó khăn để đơn vị hỗ trợ giúp đỡ, tại điều kiện học tập tốt hơn”, bác sỹ Đức cho hay.
Năm 2017, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm tuyên dương gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường cũng như xóa mù chữ ở vùng biên giới và hải đảo.
Sau hai năm thực hiện (năm 2015 và 2016), chương trình đã vinh danh 106 giáo viên công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo và các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo.