Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cha mẹ nên làm gì để ngăn trẻ ngã khỏi ban công, cửa sổ?

Vụ việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A của tòa nhà dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều gia đình có con nhỏ sống ở chung cư, nhà cao tầng.

Chiều 28/2, tại tòa nhà ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, người dân phát hiện một bé gái 3 tuổi trèo qua lan can căn hộ ở tầng 12A. Vào thời điểm đó, nhiều người hô hoán, gọi người tìm cách cứu cháu bé.

Bé gái trượt tay, rơi khỏi tầng 12A. Rất may một thanh niên nhanh chóng đứng đỡ ở mái che sảnh tầng 1, thành công cứu sống bé gái 3 tuổi.

Vụ việc xảy ra tại nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng là một trong những trường hợp hiếm hoi cứu sống người ngã từ nhà cao tầng. Trên thế giới, hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra, nhưng phần lớn nạn nhân đều bị chấn thương nặng, không qua khỏi.

Nhiều trẻ tự ý trèo khỏi ban công, lan can, cửa sổ khi không có người giám sát. Ảnh: CGTN.

12 trẻ em tử vong mỗi năm do ngã từ nhà cao tầng

Theo thống kê của Stanford Children's Health, ước tính mỗi năm có hơn 2,2 triệu trẻ em dưới 14 tuổi ở Mỹ phải điều trị vì bị ngã, 100 trong số đó tử vong. Khoảng 12 trẻ dưới 10 tuổi tử vong mỗi năm do ngã từ ban công, cửa sổ nhà cao tầng. 4.000 trẻ khác phải điều trị do chấn thương liên quan.

Số liệu của WHO cho thấy bé trai có nguy cơ bị ngã cao hơn bé gái. Phần lớn trường hợp tai nạn xảy ra khi không có người lớn giám sát.

Trong một nghiên cứu khác của World Journal of Emergency Surgery (WJES), từ năm 2005-2016, có 96 trường hợp trẻ em ngã từ các tòa nhà ở UAE được ghi lại. Sau quá trình sàng lọc, WJES lấy 81 trường hợp để làm dữ liệu phân tích.

Kết quả ghi được nêu rõ độ tuổi trung bình của các nạn nhân là 4,9 tuổi. 47% trong số đó rơi từ cửa sổ và 44% rơi từ ban công.

Hai nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị ngã là trèo lên lấy đồ đặt trên ban công hoặc gần cửa sổ (27%) và ở một mình, không có người giám sát (31%). Khi gặp tai nạn, chỉ 15 em (19%) sống sót, 66 em khác (81%) tử vong.

Tháng 5/2020, Gulf Today đưa tin một nam sinh ở Dubai thiệt mạng do ngã khỏi tầng 4 của một tòa cao ốc. Điều tra sơ bộ cho thấy nạn nhân đá bóng với em trai ở ban công. Do bất cẩn, cậu bé lao theo quả bóng và ngã khỏi lan can tòa nhà.

Trước đó, vào tháng 3, một bé trai 6 tuổi mắc chứng tự kỷ ở Sharjah, UAE, gặp tai nạn với lý do tương tự. Gia đình cho biết cậu bé đã trèo lên ghế đặt cạnh cửa sổ. Do mất thăng bằng, em ngã khỏi tầng 11 và tử vong tại chỗ.

Năm 2019, một bé trai 10 tuổi ngã khỏi tầng 6 của căn hộ ở Israel. Theo Times of Israel, nạn nhân ở nhà một mình, không có người lớn giám sát. Em được phát hiện trong tình trạng nguy kịch và đưa đến bệnh viện địa phương cứu chữa. Do chấn thương nặng, cậu bé không qua khỏi.

Tuy nhiên, trên thế giới còn nhiều trường hợp hy hữu xảy ra. Tháng 7/2019, một bé trai ở Trung Quốc trèo ra ban công tầng 6 của một tòa nhà và cố bám vào lan can. Sau khoảng 1 phút treo người trên cao, em trượt tay rơi xuống. Rất may người dân xung quanh kịp thời phát hiện, dùng chăn hứng đỡ, cứu em thoát khỏi nguy hiểm.

Tháng 5/2018, Mamoudou Gassama (22 tuổi), một người gốc Mali nhập cư vào Pháp, được tuyên dương khi giải cứu thành công một đứa bé lơ lửng trên lan can tầng 4 của một căn nhà.

Chàng trai trẻ dùng tay không leo lên tầng 4 và cứu đứa trẻ khỏi nơi nguy hiểm. Sau đó, anh được tổng thống Emmanuel Macron trao quốc tịch Pháp. Mamoudou được nhiều người ngưỡng mộ và ưu ái gọi là "Người nhện đen".

Cha mẹ ở UAE có thể bị phạt nếu để con ngã. Ảnh: Smithers Interior News.

Cha mẹ có thể bị phạt nếu để con ngã

UAE là một trong số ít quốc gia ban hành luật xử phạt với những trường hợp trên. Cụ thể, cha mẹ có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù nếu không trông coi con cẩn thận. Ngoài để trẻ ngã khỏi ban công, cửa sổ, những trường hợp để quên con trong xe ôtô, trong nhà, trong thang máy, cũng có thể bị phạt.

Bất chấp nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức và cảnh báo từ chính quyền, nhiều gia đình vẫn làm ngơ trước sự an toàn của con cái. Một bà mẹ ở quốc gia này từng bị phạt hơn 1.000 USD vì để con ngã khỏi tòa nhà và tử vong.

Moza Al Shoomi, Phó Trưởng ban Hiệp hội Bảo vệ Trẻ em Emirates tại UAE, khẳng định cha mẹ hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này. Ngoài ra, chủ sở hữu tòa nhà cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu các công trình không đảm bảo an toàn.

"Mỗi gia đình phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dạy trẻ trong môi trường an toàn", bà nói.

Col Adil Al Mazmi, chuyên gia về tai nạn hỏa hoạn tại UAE, nhấn mạnh sự bất cẩn, bỏ bê của cha mẹ, người lớn, là nguyên nhân chính khiến trẻ em bị ngã khỏi tòa nhà. Nguyên nhân thứ 2 là do các căn hộ, tòa cao ốc không được lắp đặt thiết bị bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ.

Qua điều tra, ông Mazmi nhận thấy tai nạn ở UAE thường xảy ra nhiều hơn vào mùa đông. Mùa hè nắng nóng, các gia đình thường đóng cửa sổ, cửa ban công để bật điều hòa. Trái lại, vào mùa đông, nhiều người có sở thích mở cửa sổ để thông gió.

Để ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc, chính quyền thành phố Sharjah đã ban hành các quy định khi thi công nhà ở. Cụ thể, từ năm 2017, nhà thầu buộc phải sửa đổi, lắp đặt hàng rào, song sắt cho các tòa nhà cao tầng.

Ngoài ra, Cục An toàn Trẻ em kêu gọi các gia đình phải giám sát con cái thường xuyên, tránh để các em ở nhà một mình hoặc chơi đùa trên ban công, cửa sổ.

Hiện, Cục An toàn Trẻ em đang làm việc với các bộ phận liên quan để đưa ra nhiều biện pháp hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc.

Cha mẹ nên làm gì?

Hiện nay, nhiều gia đình tận dụng ban công để đặt bàn ăn, trồng cây hoặc làm nơi thư giãn. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là với những nhà có trẻ nhỏ.

Đối với trẻ mới tập đi, hoặc trẻ còn quá nhỏ để hiểu về sự nguy hiểm, cha mẹ cần giám sát con thường xuyên, không nên để các bé chơi một mình ở ban công, cửa sổ.

Ngoài ra, bạn cần đảm bảo sàn ban công không trơn trượt, lan can, song sắt đủ cao để trẻ không thể trèo ra ngoài. Cha mẹ cũng không nên đặt bàn ghế, đồ đạc gần ban công, cửa sổ. Trẻ tò mò dễ trèo lên và có thể mất thăng bằng, ngã xuống.

Nếu không sử dụng, cha mẹ hãy đóng cửa sổ, cửa ban công. Dù chỉ đi ra ngoài trong vài phút, bạn không nên để trẻ ở nhà một mình khi cửa đang mở.

Khi lắp đặt khung cửa sổ hoặc khung lưới, bạn cần đảm bảo những thiết bị này không dễ bị đứt, gãy. Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể chui ra từ những lỗ hổng của tấm chắn hoặc bị thương vì va, quệt.

Nếu đi du lịch, cha mẹ hãy hỏi nhân viên khách sạn về những dịch vụ hoặc thiết bị an toàn để ngăn trẻ leo ra ban công.

Đối với những trẻ đủ lớn để hiểu, bạn hãy dạy trẻ về mối hiểm họa khi chơi đùa, leo trèo ở ban công, cửa sổ.

"Con sẽ bị thương nếu bị ngã, cha mẹ sẽ rất đau lòng khi điều đó xảy ra", những lời nhắc nhở sẽ giúp trẻ ghi nhớ và hạn chế chơi ở nơi nguy hiểm.

Nguồn: Zing News

Tin mới