Dự kiến, việc thực hiện giải pháp này sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng.
Trong thông báo mới nhất phát đi hôm nay 5/5, Bộ Tài chính cho biết những tháng đầu năm 2023, trước bối cảnh tình hình kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã có công văn số 3610/BTC-CST ngày 14/4/2023 báo cáo Thủ tướng đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản thuế phí, lệ phí trong năm 2023 (đối với khoảng 35 khoản phí, lệ phí và áp dụng cho giai đoạn từ 01/7/2023 đến hết 31/12/2023).
Phương án cắt giảm 35 khoản phí, lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ)
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát và đề xuất mức giảm cụ thể đối với các khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để các giải pháp sớm đưa vào thực hiện, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Trong 3 năm gần đây, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, căn cứ quy định của Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư để quy định việc giảm mức thu nhiều khoản thu phí, lệ phí. Số tiền phí, lệ phí đã thực hiện miễn giảm trong năm 2020 và năm 2021 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng mỗi năm; năm 2022 là khoảng 900 tỷ đồng.
Về thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước tháng 4/2023 ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% dự toán; Lũy kế thu 4 tháng đạt ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ cho biết tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 783.878,5 tỷ đồng. Trong đó: Kế hoạch vốn đã giao là 770.991,3 tỷ đồng; kế hoạch vốn chưa giao là 12.887,2 tỷ đồng.
Tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 112.786,4 tỷ đồng, tương đương 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).
Có 3 Bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%). Có 47/52 Bộ và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.