Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cập nhật sinh trắc học để bảo vệ ví tiền online

(VTC News) -

5 tháng đầu năm 2024, thiệt hại do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vượt qua con số 4.000 tỷ đồng, tương đương 94% so với cả năm 2023.

Tội phạm công nghệ gia tăng đột biến

Gọi điện kết bạn qua Zalo, Facebook là hình thức lừa đảo thường được các ngân hàng cảnh báo đến khách hàng. Kẻ xấu thường mạo danh cán bộ ngân hàng, liên hệ với nạn nhân qua các mạng xã hội để hướng dẫn, thu thập thông tin sinh trắc học.

Một số khác có thể lập các tài khoản ảo, sử dụng tên gọi dễ gây nhầm lẫn như “Nhân viên ngân hàng”, “Hỗ trợ khách hàng”… để tương tác với các bình luận của khách hàng trên các trang chính thức của ngân hàng, đề nghị khách hàng liên hệ riêng và thực hiện hành vi lừa đảo.

Có trường hợp kẻ xấu giả danh công an, cơ quan điều tra để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân… Sau khi có được đầy đủ thông tin thì có thể dễ dàng đăng nhập vào tài khoản, đánh cắp toàn bộ tiền của nạn nhân. Việc yêu cầu truy cập vào đường link giả mạo cũng là hình thức lừa đảo thường gặp. Các link này đều chứa mã độc nhằm kiểm soát điện thoại từ xa để thu thập thông tin người dùng.

Các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo về tình trạng đối tượng lừa đảo có thể dùng ảnh chụp của nạn nhân được tạo nên từ công nghệ trí tuệ nhân tạo để lừa đảo. Do đó, người dân cần thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, không chia sẻ thông tin cá nhân và thận trọng khi thực hiện các giao dịch online, kể cả khi đã áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học

Các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán bật tín hiệu cảnh báo

Thời gian qua, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VN (VNCERT/CC) cho biết liên tục ghi nhận nhiều phản ánh về tình trạng giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin yêu cầu hỗ trợ cài đặt sinh trắc học online.

Những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng rồi gọi điện, nhắn tin, kết bạn với khách hàng qua các mạng xã hội (Zalo, Telegram...) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. “Người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai. Đồng thời tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin”, đại diện VNCERT khuyến cáo.

Tạo “hàng rào” bảo vệ khách hàng thông qua nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin, phát triển sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng là các giải pháp đang được ngân hàng, các trung gian thanh toán triển khai nhằm đối phó với tình trạng lừa đảo ngày càng phổ biến. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và gia tăng liên kết với khách hàng cũng được xem là giải pháp quan trọng giúp các tổ chức này bảo vệ an toàn tài chính trong kỷ nguyên số đến từng khách hàng.

Vietcombank khuyến cáo người dùng tuyệt đối không truy cập các đường link, không cung cấp các thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Là trung gian thanh toán, Viettel Money đã nhanh chóng triển khai xác thực sinh trắc học đến hàng triệu khách hàng nhằm nâng cao bảo mật, đảm bảo môi trường giao dịch số an toàn. Khách hàng có thể lựa chọn cập nhật sinh trắc học tại hàng trăm nghìn điểm giao dịch của Viettel hoặc thực hiện trên ứng dụng Viettel Money trước ngày 1/1/2025 để tránh tình trạng gián đoạn khi thực hiện giao dịch/thanh toán trực tuyến.

Trước đó Viettel Money đã áp dụng nhiều công nghệ bảo mật thông tin tối ưu thông qua hệ thống quản lý an toàn thông tin, nhận diện rủi ro và thiết lập quy trình bảo vệ thông tin toàn diện; Chứng chỉ quốc tế PCI DSS về bảo mật dữ liệu thẻ thanh toán…

Việc tạo nên một hàng rào nhiều lớp bảo mật bằng sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng cũng được Viettel Money giới thiệu đến người dùng. Với chỉ từ 3.000 đồng/tháng khách hàng có thể nhận được quyền lợi bảo hiểm 50 triệu đồng/năm khi giao dịch trên Viettel Money.

Hà An

Tin mới