Thỏa thuận này có giá trị dự kiến 15,2 tỷ USD. Chính phủ Canada cho rằng thỏa thuận này không chỉ mở rộng chi tiêu quân sự của nước này mà sẽ thay thế các lực lượng hiện có. Đây là đỉnh cao của quá trình 12 năm Ottawa nỗ lực tìm cách thay thế các máy bay phản lực CF-18 đã lỗi thời của mình.
Bộ trưởng Dịch vụ công và mua sắm của Canada Filomena Tassi cho rằng, quyết định mua F-35 của Ottawa "đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong quá trình đấu tranh để mua máy bay chiến đấu hiện đại cho không quân Canada".
Máy bay chiến đấu F-35. (Ảnh: Lockheed Martin)
Canada đã từng có quá trình hơn một thập kỷ nghiên cứu để thay thế các máy bay chiến đấu F-18 vốn già cỗi của mình. Năm 2010, Canada từng tuyên bố mua 65 máy bay phản lực F-35 nhưng sau đó đã hủy bỏ lựa chọn này.
"F-35 đang được các đối tác của NORAD và NATO sử dụng trong các sứ mệnh trên toàn cầu. Nó đã được chứng minh là máy bay có khả năng tương tác và đó là lý do tại sao chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn hoàn thiện gói mua sắm này", Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết.
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với ngành công nghiệp Canada để cung cấp F-35 cho không quân Canada", Giám đốc điều hành Lockheed Martin Canada Lorraine Ben nói, đề cập đến việc hợp tác chặt chẽ giữa tập đoàn vũ khí này với Ottawa.
Đầu tháng này, Berlin đã công bố quyết định thay thế phi đội máy bay chiến đấu Tornado đã lỗi thời của mình bằng 35 máy bay tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho rằng, việc mua tiêm kích F-35 mang lại cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn giữa nước này với đồng minh NATO và các đối tác châu Âu khác.
Hồi tháng 2, Phần Lan cũng đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để mua 64 máy bay phản lực F-35 để thay thế phi đội Hornet hiện tại của nước này. Phần Lan đã từ chối các lựa chọn thay thế từ các nhà sản xuất máy bay khác như Dassault Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của Anh.
Canada là khách hàng quen thuộc trong việc mua, sử dụng thiết bị quân sự của Mỹ. Động thái này cho thấy Canada đang chịu áp lực tăng cường chi tiêu quốc phòng khi cuộc chiến ở Ukraine đang bùng phát. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã cam kết tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp diễn.