Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Cách ly giới tính' ngừa COVID-19: Nữ đi ngày chẵn, nam đi ngày lẻ

(VTC News) -

Thành phố Bogotá của Colombia áp dụng phương pháp hạn chế người dân ra khỏi nhà theo giới tính để chống dịch.

Ngày lẻ cho đàn ông, ngày chẵn cho phụ nữ

Buổi sáng trên con phố ở Bogotá, thủ đô Colombia, đàn ông xuất hiện khắp nơi. Người mua hàng trong tiệm bánh, người xuất hiện trong công viên, người đạp xe qua đường, tất cả là đàn ông. Gần như không có bóng dáng của phụ nữ. 

Những hình ảnh kỳ lạ này xuất hiện kể từ khi Bogotá bắt đầu áp dụng phương pháp "cách ly" phụ nữ với đàn ông, để hạn chế số người ra phố nhằm ngăn chặn sự lây lan COVID-19. 

Bogotá bắt đầu áp dụng phương pháp "cách ly giới tính" cách đây 2 ngày. (Ảnh: NYT)

Vào ngày lẻ, đàn ông sẽ được ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm. Vào những ngày chẵn, nhiệm vụ này tới tay phụ nữ. Biện pháp này được áp dụng khi nhiều thành phố ở khu vực Mỹ Latinh đang tìm cách ngăn người dân ra đường. 

Columbia hiện ghi nhận khoảng 3.000 ca bệnh, trong tổng số 60.000 trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ Latinh. Hầu hết trong số này tập trung ở Bogotá. 

Với phương pháp "cách ly giới tính" ở Bogotá sẽ có ngoại lệ với những người làm việc trong các ngành công nghiệp quan trọng như dịch vụ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và một số miễn trừ khác cho các trường hợp đặc biệt. 

Khó khăn cho người chuyển giới

Tại quốc gia Nam Mỹ láng giềng Peru, nước này cũng áp dụng biện pháp tương tự. Tuy nhiên Tổng thống Martín Vizcarra đã hủy bỏ phương pháp này, sau những chỉ trích về phân biệt đối xử với người chuyển giới.

Panama là quốc gia đầu tiên quyết định phân người ra đường theo giới tính. Tuy nhiên, Tổ chức theo dõi nhân quyền chỉ trích gay gắt cảnh sát nước này về trường hợp một phụ nữ chuyển giới bị bắt giữ, sau khi rời khỏi nhà vào ngày phụ nữ được phép ra ngoài. 

Về trường hợp của những người chuyển giới, Thị trưởng Bogotá, Claudia López cho biết, những người này có thể theo giới tính mà họ chọn.

Bà López cho rằng, phương pháp cách ly mà Bogotá đang sử dụng là cách dễ nhất để phân chia dân số, theo cách mà cảnh sát có thể dễ đàng xác minh. 

Một cặp đôi dắt tay nhau đi trên một con phố ở Bogotá bất chấp lệnh cấm. (Ảnh: EPA-EFE)

Bất cứ ai vi phạm sẽ phải nộp phạt 240 USD (hơn 5,6 triệu VND), tương đương mức lương tối thiểu hàng tháng ở Colombia.

Trong 2 ngày đầu tiên áp dụng, cảnh sát xử phạt 104 phụ nữ và 610 đàn ông bất tuân lệnh. Những người vi phạm phải đóng một nửa số tiền phạt trong vòng 5 ngày hoặc đối mặt với nguy cơ hầu tòa. 

Biện pháp "cách ly giới tính" mà Bogotá đang áp dụng gợi nhớ tới chính sách biển số chẵn lẻ mà thành phố này từng sử dụng để giảm tắc đường và ô nhiễm môi trường. 

Bogotá có 8 triệu người, là một trong những thành phố có tình trạng giao thông hỗn loạn nhất thế giới. 

Phản ứng của người dân

Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm hạn chế người dân ra đường gây ra ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của những người không có công việc chính thức. 

Bất chấp lệnh cấm, vào tất cả các ngày trong tuần, bà Yesica Benavides vẫn đều đặn đứng trên vỉa hè của một con phố, cố gắng bán chút kẹo để có đồng mưu sinh qua ngày. Bà không sử dụng bất cứ món đồ bảo hộ nào nhưng đeo khẩu trang cho cậu con trai 3 tuổi. 

"Chúng tôi ra ngoài mỗi ngày. Nếu không như vậy, chúng tôi không có cái mà ăn", Benavides cho hay. 

Colombia phong tỏa toàn quốc trong 19 ngày để chống Covid-19.

Tuy nhiên, không ít người ủng hộ quyết định của chính quyền, cho rằng đây là lựa chọn cần thiết ở thời điểm hiện tại. 

"Càng ít người ra đường càng tốt", ông William Legizamón, một kỹ sư cho biết. 

Ông Jorge Chacón, đầu bếp tại một nhà hàng nói rằng, ông hài lòng khi thấy lượng người đi lại trên phố đã giảm và khuyến khích chính quyền thực thi lệnh cách ly nghiêm ngặt hơn.

"Chúng ta cần phải quyết liệt hơn với các biện pháp này, bởi vì nhiều người vẫn đang ra đường", ông này cho hay. 

Song Hy

Tin mới