"Cả thế giới cần cảnh giác, hành động và sẵn sàng cho mọi trường hợp đển từ vùng tâm dịch hoặc các vùng khác", ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của WHO nói.
Ông này cảnh báo việc 194 quốc gia thực hiện các biện pháp đơn phương có thể sẽ là một công thức tiềm năng gây ra thảm họa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chung giữa các nước trong nỗ lực chống dịch.
Hôm nay 30/1, WHO sẽ nhóm họp để thảo luận có quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu với dịch viêm phổi cấp hay không.
Các hành khách xếp hàng để do thân nhiệt ở sân bay Nairobi, Kenya sau khi trở về từ Vũ Hán. (Ảnh: EPA)
Theo ông Ryan, một nhóm chuyên gia quốc tế đã tập hợp và sẵn sàng tới Trung Quốc, làm việc với các chuyên gia tại đây để giúp đối phó với dịch bệnh này.
"Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng của sự kiện này", ông Ryan cho hay.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng Trung Quốc cần sự đoàn kết và hỗ trợ của thế giới và rằng thế giới đang cùng nỗ lực để chấm dứt sự lây lan của virus corona dựa trên những bài học rút ra từ quá khứ.
Ông Ghebreyesus cũng bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc khi WHO thừa nhận nguy cơ lây nhiễm virus corona trên toàn cầu là "vừa phải" thay vì "cao".
Dịch viêm phổi cấp ban đầu lây lan sang một số nước châu Á. Tuy nhiên, nhiều tuần gần đây, các ca nhiễm bệnh được ghi nhận tại các quốc gia ở nhiều châu lục trên thế giới. Mỹ và Pháp cùng ghi nhận ca nhiễm corona thứ 5, UAE báo cáo về trường hợp nhiễm đầu tiên trong khi một số quốc gia châu Phi đang theo dõi một số người bị nghi lây nhiễm.
Trong tuyên bố được phát đi sáng 30/1, chính quyền tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc - nơi bùng phát dịch, cho biết số ca thiệt mạng tại đây đã tăng lên 170o người và gần 8.000 trường hợp nhiễm bệnh.