Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cá heo cứu người giữa sóng cả

(VTC News) -

Ngót nghét 400 năm có lẻ, cư dân xã đảo Tam Hải dành trọn khu đất rộng cả nghìn mét vuông để chôn cất, thờ cúng cá Ông.

Họ tâm niệm, đây chính là vị thần Nam Hải không ít lần giải cứu ngư dân trong thời khắc lâm nạn và đứng trước lằn ranh sinh – tử giữa trùng khơi.

Xây dựng nghĩa trang, chịu tang cá Ông

Cuối năm, mưa rả rích rơi từng hạt. Con nước Trường Giang tự bao đời dai dẳng chia cắt xã đảo Tam Hải với phần đất liền của huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) lăn tăn gợn sóng.

Khi sương mai long lanh còn đọng trên kẽ lá, tôi bắt chuyến phà sớm nhất trong ngày từ cảng Tam Quang. Chiếc phà sắt nổ máy phành phạch, vỏn vẹn chỉ mươi phút đồng hồ chầm chậm lướt phăng trên bề mặt con nước, phà cập bờ Tam Hải. Xã đảo được bao bọc bởi tứ bề sông – biển hiện ra trước mắt. Nên thơ và bình yên đến lạ.

Ông Trần Minh Tập (trưởng thôn Thuận An) say sưa kể về nghĩa địa cá Ông với PV VTC News.

Cuốc bộ một mạch dăm ba cây số, tôi thẳng tiến đến nghĩa địa cá Ông. Khu quy tập hài cốt cá heo, cá voi này tọa lạc ở mỏm đất nhô cao thuộc địa phận thôn Thuận An, cách bờ mép sóng vỗ chừng mươi bước chân.

Như đã hẹn, đón chúng tôi là ông Trần Minh Tập (trưởng thôn Thuận An) cùng cụ Huỳnh Lợi – một trong số những vị cao niên trong làng phụ trách việc chôn cất, cúng bái ở nghĩa địa cá Ông.

Theo ông Tập, trước đây, nơi yên nghỉ của cá Ông có tên là Vạn Niên. Tầm 10 năm đổ lại, khu đất này được chỉnh trang, mở rộng diện tích. Dần dà, cụm từ nghĩa địa cá Ông ăn sâu vào nếp nghĩ, cách gọi của bà con trên đảo.

“Hơn 400 năm trước, khi vươn khơi đánh bắt, các bậc tiền nhân của chúng tôi không ít lần chứng kiến cảnh cá heo kiệt sức rồi thiệt mạng. Để bày tỏ lòng tín ngưỡng của mình đối với vị thần Nam Hải, họ quyết định đưa xác cá heo về Bãi Bấc – nay là nghĩa địa cá Ông để chôn cất.

Không chỉ ngoài khơi xa, những vị cá heo lụy bờ cũng được người dân trên đảo an táng theo nghi thức truyền thống của cư dân vùng biển”, ông Tập cho hay.

Nhắc đến số lượng cá Ông đang yên nghỉ tại nghĩa địa rộng cả nghìn mét vuông, cụ Huỳnh Lợi nhớ mồn một và khẳng định chắc nịch: “Đúng 504 vị”.

Nghĩa địa cá Ông rộng cả ngàn mét vuông ở xã đảo Tam Hải.

Cụ Lợi chia sẻ, trung bình hơn 4 thế kỷ qua, năm nào người dân xã đảo Tam Hải cũng tổ chức lễ an táng cho 1 vị cá Ông.

Theo nghi lễ truyền thống, thời khắc trút hơi thở cuối cùng, cá heo sẽ được quy tập về Bãi Bấc.

Ngư dân phát hiện cá heo lụy bờ hoặc đưa từ ngoài khơi về đảo sẽ trình báo chính quyền và bà con trên toàn xã để cùng tập trung chung tay chôn cất.

“2 ngày sau khi chôn cất, bà con sẽ mở cửa mả, đắp mộ đất cho cá heo. Những nấm mồ lớn nhỏ tùy thuộc vào kích cỡ, cân nặng của các vị cá. Ở nghĩa địa này, rất nhiều cá Ông có trọng lượng lên tới cả tấn, bên cạnh đó là những chú cá heo bốn, năm chục ký.

Hồi xưa, khi cá heo chết, cả làng Thuận An và một số thôn khác tự nguyện chịu tang như người thân của mình qua đời. Bây chừ, chỉ người phát hiện cá heo thiệt mạng mới quấn khăn tang trên đầu”, cụ Lợi nói.

Trong số hàng trăm lần dìu cá heo tử nạn về nghĩa địa, cụ Lợi, ông Tập cùng nhiều cư dân một đời nghe tiếng sóng vỗ xô mạn thuyền không ít lần mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên.

Nhắc đến đây, ông Tập kể câu chuyện diễn ra mới rợi hồi tháng 7 năm ni.

Khu vực Bãi Bấc – nơi cá heo thường lụy bờ.

Sớm tinh mơ hôm ấy, chuyến khai thác gần bờ của hàng chục ngư dân địa phương đành bỏ dở bởi sự xuất hiện đường đột của chú cá heo.

Nhận thấy chú cá có dấu hiệu xuống sức với những bước sải mình nặng nề, các ngư dân phối hợp đưa vào mực nước gần bờ để thuận tiện chăm sóc.

“Khi chú cá dần hồi phục, mọi người lại đưa trở ra đại dương. Ấy nhưng, vài tiếng sau, ai nấy bàng hoàng khi chứng kiến chính chú cá heo đó dạt vào Bãi Bấc. Lúc này, cá đã không qua khỏi. Điều hết sức trùng hợp là bao năm qua, cả trăm vị cá Ông có dấu hiệu sắp qua đời đều lụy vào Bãi Bấc – nơi chôn cất họ hàng của mình”, cụ Lợi kể.

Ly kỳ chuyện cá heo cứu nạn ngư dân

Việc cá heo thiệt mạng, được lo an táng chu toàn chẳng còn xa lạ với người dân Tam Hải nói riêng và những địa phương vùng duyên hải trải dài theo bờ biển có tập tục thờ cúng cá Ông nói chung.

Đó là câu chuyện tín ngưỡng, thờ cúng hết sức thiêng liêng nhằm bày tỏ sự ngưỡng vọng đối với vị thần Nam Hải.

Năm 2010, nghĩa địa cá Ông ở xã Tam Hải được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Đặc biệt, các mẩu chuyện ly kỳ về những lần cá heo “dang tay” cứu giúp ngư dân trong thời khắc lâm nạn và đứng trước lằn ranh sinh-tử giữa trùng khơi cũng không còn xa lạ. Và chính cư dân xã đảo Tam Hải đã từng trải qua.

Hôm chúng tôi đặt chân lên đất đảo, câu chuyện đàn cá heo “đưa đường dẫn lối”, cứu giúp 41 ngư dân Tam Hải thoát khỏi lưỡi hái thủy thần vẫn được bà con bàn tán râm ran.

Lật ngược dòng chảy của thời gian, chính xác là vào ngày 20/8/2019, con tàu mang số hiệu 91928 do ông Bùi Văn Quốc (42 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tam Hải) làm thuyền trường cùng 43 ngư dân xuất bến, đạp sóng thẳng tiến Trường Sa.

Trò chuyện với chúng tôi, vị thuyền trưởng có thâm niên hàng chục năm chinh chiến ở một trong hai ngư trường lớn nhất của dải đất hình chữ S vẫn toát lên vẻ bàng hoàng khi nhắc lại chuyến vươn khơi đầy bão táp.

Ngồi lặng lẽ bên khu neo đậu tàu thuyền, ông Quốc kể, ngày 2/9, trên đường vào bãi Thuyền Chài (thuộc quần đảo Trường Sa) tránh gió, lốc xoáy giật phần phật đánh lật úp con tàu.

Thuyền trưởng Bùi Văn Quốc khóc òa vì được gặp lại người thân sau chuyến vươn khơi đầy bão táp.

3 trong số 44 ngư dân không may rơi xuống biển và bỏ mạng.

Khi con tàu bạc tỷ chìm nghỉm dưới đáy đại dương mênh mông, 41 con người chỉ còn biết động viên nhau giành giật lấy sự sống mong manh như nghìn cân treo sợi tóc.

Suốt 1 ngày, 1 đêm chống chọi với cái đói, cái lạnh cắt da khi trầm mình dưới con nước bạc đầu, hàng chục ngư dân chỉ biết bấu vịn lấy những can bằng nhựa – chiếc phao cứu sinh mang tính tạm thời.

Đúng lúc tất cả bắt đầu nghĩ về cái chết, về hình ảnh mẹ già, những người vợ và bầy con thơ thì phép nhiệm màu xuất hiện.

Con tàu của ông Võ Quốc Danh có mặt trong phút giây 41 ngư dân rơi vào trạng thái kiệt sức nhất, tuyệt vọng nhất.

Theo thuyền trưởng Quốc, có lẽ ông cùng các bạn thuyền khác đã bỏ mạng ngoài khơi nếu không có sự ứng cứu kịp thời của tàu bạn, đặc biệt là đàn cá heo đưa đường chỉ lối.

“Ngày 9/9, khi chính thức đặt chân về tới đảo, tôi và các thuyền viên vỡ òa vì gặp được người thân. Tôi nghe các ngư dân của tàu anh Danh kể rằng, chính đàn cá heo giúp họ lái thuyền đúng hướng đến nơi chúng tôi gặp nạn.

Cụ thể, vào chiều 3/9, tàu của anh Danh tới vị trí cách chúng tôi lâm nạn khoảng 4 hải lý.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, tàu anh Danh quyết định chuyển hướng. Điều kỳ lạ, khi tàu vừa quay đầu, bất ngờ một đàn cá heo bơi đến và chặn ngay trước mũi tàu của anh Danh, ngăn không cho tàu chạy.

Thuyền trưởng Danh bẻ lái để tránh nhưng đàn cá heo lại vây tới trước mũi tàu chắn ngang như muốn thông báo một điều gì đó.

Chỉ đến khi anh Danh chĩa mũi tàu về hướng chúng tôi đang lâm nguy thì đàn cá mới chịu rời đi. Chúng tôi biết ơn tàu bạn và công lao của các vị cá Ông”, ông Quốc bộc bạch

Và mẩu chuyện thuyền trưởng Quốc chia sẻ chỉ là một trong số vô vàn những lần cá heo cứu hộ ngư dân lúc lâm nạn.

Vươn khơi gặp nạn, không ít lần ngư dân được cá heo cứu giúp.

82 năm tuổi đời nhưng có đến gần 50 năm gắn bó với nghề đánh bắt, cụ Nguyễn Đức Ba (làng Thuận An) nhớ như in về những lần mình được cá heo cứu giúp.

“Không chỉ bản thân tôi mà có lẽ hầu hết những người gắn đời mình với biển cả đều đôi lần nhìn thấy cá heo. Tôi may mắn được các vị ứng cứu 2 lần.

Đó là lúc tàu của tôi chênh vênh trước phong ba bão táp, đàn cá heo xuất hiện và lấy thân mình chắn giữ, ngăn không cho sóng to, gió lớn quật úp tàu.

Bởi vậy, ngư dân mang ơn và bày tỏ sự ngưỡng vọng đối với cá heo, cá voi và lập nghĩa địa chôn cất, thờ cúng cũng là điều phải đạo”, cụ Ba trải lòng.

Năm 2010, nghĩa địa cá Ông ở xã Tam Hải được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đầu năm 2019, chính quyền địa phương đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng lăng thờ cá Ông.

Thường niên, vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm, bà con xã đảo Tam Hải tập trung tại nghĩa địa cá Ông tổ chức lễ hội cầu ngư. Tại đây, 50 chiếc thuyền xuất phát từ bến và bơi thẳng về nghĩa địa cá Ông để nghinh thần.

Toàn thể người dân 6 thôn của xã đảo sẽ thắp hương từng mộ cá Ông. Ngoài ra, trong 2 ngày 19 và 20 tháng Giêng, xã Tam Hải còn tổ chức đua ghe, bơi thúng, bơi lội, kéo co ngay tại khu vực Bãi Bấc.

THANH BA

Tin mới